Showing posts with label T.Harv Eker. Show all posts
Showing posts with label T.Harv Eker. Show all posts

Tuesday, May 27, 2014

9.3. Suy nghĩ Triệu Phú số 12 - Bí quyết Tư Duy Triệu Phú T.Harv Eker

Người giàu suy nghĩ “cả hai”
Người nghèo nghĩ “hoặc là/hoặc”
Người giàu sống trong một thế giới của sự sung túc. Người nghèo sống trong một thế giới của sự hạn chế. Tất nhiên, cả hai đều sống trong cùng một thế giới vật chất, nhưng sự khác biệt nằm trong cách nhìn của họ.
Đa số người nghèo và tầng lớp trung lưu xuất thân từ cảnh khốn khó. Họ sống theo những phương châm như: “Tất cả chỉ có chừng đó để chia nhau, chừng đó không bao giờ đủ cả, và bạn không thể có được mọi thứ.” Và mặc dù bạn có thể không có khả năng có tất cả mọi thứ, tôi nghĩ bạn chắc chắn có “tất cả mọi thứ bạn thực sự cần.”
Bạn muốn một sự nghiệp thành công hay một quan hệ thân thiết với gia đình? Cả hai! Bạn muốn tập trung vào công việc hay được chơi vui vẻ thỏa thích? Cả hai! Bạn muốn tiền bạc hay ý nghĩa cuộc sống của bạn? Cả hai! Bạn muốn kiếm được cả gia tài lớn hay làm công việc bạn thích? Cả hai! Người nghèo luôn chọn một trong hai, người giàu chọn cả hai.
Người giàu hiểu rằng với một chút sáng tạo bạn có thể hầu như bao giờ cũng tìm ra cách để có thể có cái tốt nhất của cả hai thế giới. Từ lúc này, khi đối diện với khả năng lựa chọn “hoặc là/hoặc”, câu hỏi tinh hoa để bạn tự hỏi bản thân là “Làm sao tôi có được cả hai?” Câu hỏi này sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn. Nó sẽ đưa bạn từ thế giới chật hẹp của sự hạn chế sang vũ trụ rộng lớn của những khả năng bất tận và sự phong phú sung túc.
Điều đó không chỉ liên quan đến những cái bạn muốn, nó liên quan đến tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Ví dụ, ngay lúc này đây, tôi chuẩn bị làm việc với một nhà cung cấp đang không thỏa mãn với chúng tôi, tin rằng công ty Đào tạo Khả năng Đỉnh cao của tôi phải trả một số chi phí của họ mà chúng tôi từ đầu đã không đồng ý trả. Quan điểm của tôi là việc tính toán chi phí của anh ta là việc của anh ta, không phải của tôi, và nếu anh ta đã chịu chi phí cao thì là vì có cái gì đó anh ta phải xem xét. Tôi sẵn sàng đàm phán một hợp đồng mới cho lần sau, nhưng tôi cương quyết trong việc tuân theo hợp đồng đã được thỏa thuận. Nếu như trong những ngày túng quẫn của tôi trước kia, tôi sẽ tiến hành cuộc thảo luận với mục đích thể hiện quan điểm của tôi và đảm bảo rằng tôi không trả gã đó dù chỉ một xu hơn những gì chúng tôi đã thỏa thuận. Và thậm chí tôi vẫn muốn giữ anh ta làm nhà cung cấp, cuộc thảo luận chắc chắn sẽ có kết cục là một cuộc tranh cãi to. Tôi sẽ dẫn đến suy nghĩ hoặc là anh ta thắng, hoặc là tôi thắng.
Hôm nay, bởi vì tôi đã tập luyện để suy nghĩ theo cách “cả hai”, tôi sẽ tiến hành cuộc thảo luận này hoàn toàn cởi mở để tạo ra tình huống tôi không phải trả anh ta thêm tiền và anh ta sẽ trở nên rất hạnh phúc với thỏa thuận mới mà chúng tôi sẽ cùng đồng ý. Nói cách khác, mục đích của tôi là có cả hai !
Đây là một ví dụ khác. Vài tháng trước tôi quyết định sẽ mua ngôi nhà nghỉ hè ở Arizona. Tôi tìm kiếm trong khu vực tôi quan tâm, và tất cả môi giới bất động sản đều nói với tôi rằng nếu tôi muốn ba phòng ngủ cộng một phòng làm việc trong khu vực đó, tôi sẽ phải chi trên một triệu đôla. Ý định của tôi là giữ mức đầu tư của mình cho ngôi nhà đó dưới một triệu đôla. Phần lớn mọi người sẽ hạ thấp yêu cầu của mình hoặc nâng cao mức dự kiến đầu tư. Tôi từ chối cả hai. Mới đây, tôi nhận được cú điện thoại rằng chủ một ngôi nhà trong đúng khu vực tôi muốn với số phòng như tôi muốn, vừa giảm giá bớt 200.000 đôla xuống dưới một triệu. Đó là thêm một minh chứng cho xu hướng muốn có cả hai là đúng!
Cuối cùng, tôi thường nói với cha mẹ mình rằng tôi không muốn làm nô lệ trong công việc tôi không thích và rằng tôi sẽ “làm giàu bằng cách làm những gì tôi yêu thích”. Câu trả lời của họ thường là: “Con đang sống trong thế giới mơ mộng. Cuộc sống không phải toàn màu hồng.” Họ nói: “Kinh doanh là kinh doanh, giải trí là giải trí. Đầu tiên, con phải lo kiếm sống, sau đó, nếu còn có thời gian thừa, con có thể giải trí.”
Tôi nhớ mình đã thầm nghĩ, “Hừm, nếu nghe theo cha mẹ mình sẽ có kết cục như họ. Không. Tôi phải có cả hai!” Cái đó có khó không? Bạn có thể đoán. Thỉnh thoảng tôi phải đi làm những công việc tôi chán ghét trong một hay hai tuần để tôi có cái ăn và trả tiền thuê nhà. Nhưng tôi không bao giờ đánh mất ý chí muốn có “cả hai”. Tôi không bao giờ bị kẹt lâu trong công việc hoặc kinh doanh tôi không thích. Cuối cùng, tôi đã trở nên giàu có khi làm những việc tôi yêu thích. Bây giờ khi tôi biết rằng điều đó là có thể được, tôi tiếp tục chỉ đi theo những công việc, những dự án tôi yêu thích. Điều tốt nhất từ tất cả những cái đó là bây giờ tôi có cơ hội được dạy người khác để làm như thế.
Không ở đâu mà cách suy nghĩ “cả hai” lại quan trọng như trong lĩnh vực tiền bạc. Người nghèo và nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu tin rằng họ phải chọn một trong hai – hoặc là tiền bạc, hoặc là những yếu tố khác trong cuộc sống. Và kết quả là họ củng cố quan điểm cho rằng tiền không quan trọng bằng những thứ khác.
Chúng ta hãy nói thẳng. Tiền là quan trọng! Nói rằng tiền bạc không quan trọng như bất ký thứ gì khác trong cuộc sống là lố bịch. Cái gì quan trọng hơn, chân bạn hay tay bạn? Có lẽ cả hai đều quan trọng?
Tiền bạc là dầu bôi trơn. Nó cho phép bạn “trượt” đi trong cuộc sống thay vì bị trày xước liên miên. Tiền bạc mang sự tự do – sự tự do để mua những gì bạn muốn với thời gian của bạn. Tiền bạc cho phép bạn hưởng thụ những điều tốt đẹp trong cuộc sống cũng như cho bạn cơ hội giúp đỡ người khác có được những thứ cần thiết trong cuộc sống. Quan trọng nhất, có nhiều tiền bạc cho phép bạn không phải tiêu hao năng lượng của mình để lo lắng về việc không có tiền.
Hạnh phúc cũng quan trọng. Tuy nhiên, đây là chỗ người nghèo và giới trung lưu hay nhầm lẫn. Rất nhiều người tin rằng tiền bạc và hạnh phúc là hai phạm trù loại trừ nhau, rằng hoặc là bạn có thể giàu có hoặc là bạn có thể hạnh phúc. Tât nhiên, đó không là gì khác ngoài sự cài đặt và định hình sai lầm trong tâm thức từ quá khứ.
Người giàu có trong mọi ý nghĩa của từ này đều hiểu rằng bạn phải có cả hai. Cũng như bạn phải có cả hai: đôi chân và đôi tay bạn, bạn phải có cả tiền bạc và hạnh phúc.
Bạn có thể vừa có chiếc bánh ngọt vừa ăn nó!
Và đây là một sự khác biệt cơ bản khác nữa giữa người giàu, giới trung lưu và người nghèo: Người giàu tin rằng “Bạn có thể vừa có chiếc bánh ngọt vừa ăn nó.” Người trung lưu tin rằng “Bánh ngọt là quá đắt, nên tôi sẽ chỉ lấy một miếng nhỏ.” Người nghèo không tin rằng họ có thể có bánh ngọt, nên họ gọi món bánh rán tròn có lỗ rồi tập trung vào cái lỗ trống đó, và thắc mắc tại sao họ không có gì.
Qui tắc Thịnh vượng số 29:
Người giàu tin rằng “Bạn có thể vừa có chiếc bánh ngọt vừa ăn nó.”
Người trung lưu nói “Bánh ngọt là quá đắt, nên tôi sẽ chỉ lấy một miếng nhỏ.”
Người nghèo không tin rằng họ có thể có bánh ngọt, nên họ gọi món bánh rán tròn rỗng, rồi tập trung vào cái lỗ rỗng đó, và thắc mắc tại sao họ không có gì
Tôi hỏi bạn, bạn có chiếc bánh của mình để làm gì nếu bạn không thể ăn nó? Chính xác là bạn sẽ làm gì với nó? Để nó lên bàn thờ của bạn và ngắm nó? Bánh ngọt nghĩa là để ăn và thưởng thức.
Những suy nghĩ quanh quẩn vấn đề chọn lựa “cái này hoặc cái kia” luôn tồn tại trong đầu óc những người tin rằng: “Nếu tôi có nhiều hơn, thì một người nào đó sẽ có ít đi”. Suy nghĩ này không là gì khác ngoài sự định hình suy nghĩ từ quá khứ dựa trên nỗi sợ và sự tự vệ. Khái niệm cho rằng người giàu trên thế giới tích cóp tất cả tiền bạc nên không còn gì để lại cho bất kỳ ai khác, là phi lý. Trước hết, niềm tin đó giả định rằng nguồn cung cấp tiền bạc là có giới hạn. Tôi không phải là nhà kinh tế, nhưng từ những gì tôi thấy thì người ta vẫn luôn liên tục in thêm hàng đống tiền mỗi ngày. Nguồn cung cấp tiền thực tế không chỉ dành riêng cho bất cứ loại tài sản thực nào từ vài chục năm nay. Vì vậy, thậm chí nếu người giàu có sở hữu tất cả tiền bạc hôm nay thì ngày mai sẽ có triệu, nếu không nói hàng tỷ đôla khác luôn sẵn sàng cho tất cả.
Một chi tiết mà những người có niềm tin hạn chế này có vẻ như không nhận ra là cùng một đồng tiền có thể sử dụng hết vòng này đến vòng khác để tạo ra giá trị cho tất cả mọi người. Tôi sẽ dẫn ra đây một ví dụ tôi đã dùng trong các buổi hội thảo của chúng tôi. Tôi yêu cầu năm người bước lên bục và mang theo một vật gì đó. Tôi bảo họ đứng thành một vòng tròn. Sau đó, tôi đưa cho người đầu tiên một tờ 5 đôla và yêu cầu họ dùng số tiền đó để mua thứ mà người số hai mang theo. Giả sử đó là cây bút. Giờ người số hai đã có được 5 đôla. Người số hai lại dùng 5 đôla này để mua, một bìa hồ sơ chẳng hạn, từ người số 3. Theo cách đó, đồng 5 đôla cứ thế chuyền đi cho đến khi qua hết cả năm người. Tờ 5 đôla được sử dụng để mang lại giá trị cho những người có nó, nghĩa là 5 đôla khi đó đi qua tay năm người khác nhau và tạo ra giá trị 5 đôla cho mỗi người, hay tổng giá trị 25 đôla cho cả nhóm. Đồng 5 đôla đó đã không bị tan nát và khi quay vòng tròn, nó tạo giá trị cho mỗi người.
Những bài học rất rõ ràng. Thứ nhất, tiền không bị tan biến đi; bạn có thể sử dụng nhiều lần từ năm này qua năm khác và cho hàng nghìn và hàng nghìn người. Thứ hai, khi bạn càng có nhiều tiền thì bạn càng đưa nhiều tiền vào vòng xoay, để sau đó những người khác có càng nhiều tiền vào việc mua bán để thu được giá trị lớn hơn.
Điều đó hoàn toàn đối lập với suy nghĩ “hoặc là/hoặc”. Ngược lại, khi bạn có tiền và sử dụng đồng tiền đó, cả bạn và người mà bạn đưa tiền sẽ đều có được giá trị đó. Nói thẳng thắn là, nếu bạn lo lắng về người khác và về việc chắc chắn họ sẽ nhận được phần của họ (nếu có phần đó), hãy làm những gì cần thiết để trở nên giàu có sao cho bạn có thể phát tán nhiều tiền hơn ra xung quanh.
Nếu tôi có thể đưa ra một ví dụ cho bất cứ điều gì nữa, thì đó sẽ là việc bạn có thể là một người dễ chịu, yêu thương, chăm sóc, hào phóng, có lý trí và là một người giàu thực sự. Tôi mạnh dạn khuyên bạn hãy xua tan sự ngộ nhận rằng tiền bạc là xấu theo bất cứ cách nào hay rằng bạn sẽ ít “tốt” hơn hay ít “trong sáng” hơn nếu bạn giàu có. Niềm tin này tuyệt đối là xúc xích Ý (trong trường hợp bạn mệt mỏi với từ vớ vẩn), và nếu bạn cứ ăn nó mãi bạn sẽ không chỉ béo mập, mà bạn sẽ vừa béo mập vừa túng quẫn. Này, bạn còn biết một ví dụ khác cho “cả hai” hay hơn không!
Thưa các bạn, là người đễ chịu, hào phóng, và yêu thương không có gì liên quan đến cái có hoặc không có trong ví bạn. Thuộc tính đó đến từ thứ ở trong đầu bạn. Là người trong sáng và có lý tưởng không có gì liên quan thứ bạn có hoặc không có trong tài khoản ngân hàng của bạn. Thuộc tính đó đến từ cái có trong tâm hồn bạn. Nghĩ rằng tiền bạc làm bạn tốt hay xấu, kiểu nào cũng vậy, là suy nhĩ kiểu “hoặc là/hoặc” và đó chỉ là “rác rưởi được lập trình” không hề hỗ trợ cho hạnh phúc và thành công của bạn.
Điều đó cũng hoàn toàn không hỗ trợ những người xung quanh bạn, đặc biệt đối với trẻ em. Nếu bạn cứng rắn thế với việc là một người tốt, hãy tốt vừa đủ để không tiêm nhiễm sang thế hệ tiếp theo với niềm tin làm suy yếu mình mà bạn có thể đã tiếp nhận không hề cố ý.
Nếu bạn thật sự không muốn sống một cuốc sồng chỉ có những giới hạn, thì dù ở hoàn cảnh nào đi nữa, bạn cũng nên nhanh chóng xóa bỏ lối suy nghĩ “chỉ một trong hai” đó đi và quyết tâm để có “cả hai”.
Lời tuyên bố: Hãy đặt tay lên ngực bạn và nói:
“Tôi luôn suy nghĩ “cả hai”!”.
Hãy đặt tay lên trán bạn và nói:
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
Những hành động của Tư Duy Triệu Phú:
1. Hãy tập suy nghĩ và sáng tạo ra những phương cách để có “cả hai”. Bất cứ khi nào bạn có sự lựa chọn giữa hai khả năng, hãy hỏi bản thân, “Làm sao để tôi có thể có cả hai?”
2. Hãy nhận thức rõ tiền bạc trong vòng quay làm tăng giá trị cuộc sống của tất cả mọi người. Mỗi khi bạn tiêu tiền, hãy nói với bản thân, “Số tiền này sẽ qua tay hàng trăm người và tạo ra giá trị cho tất cả những người đó”.
3. Hãy nghĩ về bản thân như một hình tượng cho người khác – tỏ ra rằng bạn có thể rất dễ thương, hào phóng, yêu quý mọi người và giàu có!

9.2. Suy nghĩ Triệu Phú số 11 - Bí quyết Tư Duy Triệu Phú T.Harv Eker

Người giàu chọn được trả công theo kết quả
Người nghèo chọn được trả công theo thời gian
Bạn đã từng nghe lời khuyên này: “Hãy đến trường, gìành điểm cao, kiếm công việc tốt, kiếm đồng lương ổn định, hãy chăm chỉ, làm việc cố gắng, … và bạn sẽ sống hạnh phúc mãi mãi?” Tôi không biết bạn nghĩ sao, chứ tôi thì muốn nhìn thấy cam kết viết trên giấy cho điều đó. Thật không may, lời khuyên thông thái đó đến một cách bí mật từ Chuyện Cổ tích, Tập I, ngay sau các chuyện đọc để đánh răng cho trẻ trước giờ ngủ.
Tôi không bận tâm việc phản đối tuyên bố đó. Bạn có thể làm việc đó cho mình bằng cách kiểm tra kinh nghiệm bản thân và cuộc sống của tất cả mọi người xung quanh bạn. Điều tôi muốn tranh luận là ý tưởng đằng sau khái niệm “lương ổn định”. Không có gì không ổn với việc có được lương ổn định, trừ khi điều đó gây cản trở khả năng để bạn có thu nhập theo những gì bạn xứng đáng. Sự cản trở là ở đó. Và thường là như vậy.
Qui tắc Thịnh vượng số 27:
Không có gì không ổn với việc có được lương ổn định, trừ khi điều đó gây cản trở khả năng để bạn có thu nhập theo những gì bạn xứng đáng. Sự cản trở là ở đó. Và thường là như vậy.
Người nghèo muốn được trả lương ổn định hoặc tiền công theo giờ. Họ cần sự an toàn khi biết một số tiền chính xác sẽ đến vào một thời điểm chính xác, hàng tháng, hàng tháng. Điều họ không nhận ra là sự an toàn đó có giá, và cái giá phải trả là sự giàu có.
Sống dựa trên sự an toàn là sống dựa trên nỗi sợ hãi. Điều thực sự bạn đang nói là “Tôi sợ rằng tôi sẽ không đủ khả năng kiếm đủ tiền dựa trên kết quả của tôi. Nên sẽ chấp nhận mức thu nhập vừa đủ sống sót hay để thoải mái.”
Người giàu thích chọn được trả tiền dựa trên kết quả họ đạt được, nếu không phải tất cả thì ít nhất là một phần. Người giàu thường có kinh doanh của chính họ trong một dạng nào đó. Họ làm ra thu nhập của mình từ lợi nhuận của những việc kinh doanh đó. Người giàu làm việc vì hoa hồng hay tỷ lệ phần trăm của doanh thu. Người giàu chọn chứng khoán và phân chia lợi nhuận thay cho lương cao hơn. Hãy để ý rằng không có sự bảo đảm cho bất kỳ dạng thu nhập nào nêu trên. Như đã khẳng định trước đó, trong thế giới tài chính, sự tưởng thưởng thường tỷ lệ thuận với sự rủi ro.
Người giàu tin tưởng vào bản thân mình. Họ tin vào giá trị của họ và vào khả năng đem lại giá trị đó của họ. Người nghèo thì không. Đó là lý do tại sao họ cần sự bảo đảm.
Mới đây, tôi giao dịch với một nhà tư vấn về quan hệ công chúng, người này muốn tôi trả phí dịch vụ cho cô ta 4,000 đôla một tháng. Tôi hỏi cô ta tôi sẽ nhận được gì để đổi lấy 4,000 đôla của mình. Cô ta trả lời rằng tôi sễ thấy ít nhất 20,000 đôla tổng lợi nhuận hàng tháng trên các phương tiện đại chúng. Tôi nói, “Sẽ thế nào nếu cô không đem lại những kết quả đó hay bất cứ thứ gì khác gần như thế? Cô trả lời rằng cô ta vẫn sẽ tính phí theo thời gian, bởi vì cô xứng đáng được trả.
Tôi đáp: “Tôi không thích việc trả theo thời gian của cô. Tôi thích việc trả theo kết quả cụ thể, và nếu bạn không đem lại kết quả, tại sao tôi vẫn trả cô? Mặt khác, nếu cô mang lại kết quả thậm chí tuyệt vời hơn, cô đáng được trả nhiều hơn. Tôi đề nghị thế này: Tôi sẽ trả cô năm mươi phần trăm những giá trị thông tin cô đem lại. Theo con số của cô, đó sẽ có nghĩa là trả cô mười nghìn đôla một tháng, cao hơn gấp đôi mức phí của cô.
Cô ta có theo cách đó? Không! Cô ấy đang túng quẫn? Vâng! Và cô ta sẽ cứ thế suốt cuộc đời còn lại, cho tới khi cô ta nhận ra rằng để làm giàu bạn cần phải được trả dựa theo kết quả.
Người nghèo trao đổi thời gian của họ lấy tiền bạc. Vấn đề của chiến lược này là thời gian của bạn có hạn. Điều đó có nghĩa rằng bạn sẽ luôn kết thúc với việc vi phạm Định luật Thịnh vượng số Một phát biểu rằng: “Không bao giờ được có giới hạn trần cho thu nhập của bạn.” Nếu bạn chọn được trả theo thời gian của bạn, bạn dường như đã giết cơ hội đến thịnh vượng của mình.
Định luật này cũng áp dụng cho kinh doanh dịch vụ cá nhân, nơi mà bạn nói chung thường được trả theo thời gian. Đó là lý do tại sao các luật sư, kế toán viên, các nhà tư vấn – những người còn chưa là đối tác của chủ hang, và vì thế chưa được chia lợi tức của hãng – có thu nhập cao nhất cũng chỉ kha khá một chút.
Giả sử bạn đang kinh doanh bút bi và bạn nhận được đơn hàng cho năm mươi nghìn chiếc bút. Nếu trong trường hợp đó bạn sẽ làm gì? Đơn giản là bạn sẽ gọi nhà cung cấp, đặt mua năm mươi nghìn chiếc bút, bán chúng đi, và sung sướng tính toàn lời lãi của mình. Mặt khác, giả sử bạn là nhân viên mát xa và bạn thật may mắn có năm mươi nghìn người xếp hàng bên ngoài cửa phòng bạn, tất cả đều muốn được bạn mát xa. Bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ giết chính mình vì đã không kinh doanh bút bi! Bạn có thể làm gì nữa? Hãy thử cố giải thích cho người cuối cùng trong hàng rằng người đó sẽ phải đến “muộn một chút”, và cuộc hẹn với họ sẽ là Thứ ba, 3 giờ 15’, bốn thập kỷ sau!
Tôi không muốn nói rằng có bất cứ điều gì đó không ổn trong kinh doanh dịch vụ cá nhân. Chỉ đừng có kỳ vọng làm giàu nhanh chóng trừ khi bạn sáng tạo ra phương cách để nhân đôi hay nhân bản chính bản thân bạn lên nhiều lần.
Tại các khóa học, tôi thường gặp những người có lương tháng hay tuần và họ thường than phiền với tôi rằng họ không được trả đúng theo giá trị của mình. Trả lời của tôi là “Theo quan điểm của ai? Tôi tin chắc rằng sếp của bạn nghĩ rằng bạn được trả công bằng. Tại sao bạn không từ chối nhận lương tháng đơn điệu và yêu cầu được trả dựa trên toàn phần hay từng phần hiệu quả của bạn? Ồ, nếu điều đó là không thể, sao bạn không làm việc cho chính bạn? Khi đó bạn sẽ biết rằng bạn sẽ có thu nhập chính xác bằng giá trị của bạn.” Bằng cách nào đó, lời khuyên này có vẻ không khuyên giải được những người đó. Thường là họ hoảng sợ với việc kiểm tra giá trị thực của họ trên thị trường.
Nỗi sợ của phần lớn mọi người về việc được trả theo kết quả thường chỉ là nỗi sợ xâm phạm vào một trong các điều kiện từ tiềm thức quá khứ của họ. Theo kinh nghiệm của tôi, phần lớn trong những người bị kẹt vào “vết xe đổ” thu nhập ổn định có định hình suy nghĩ trong quá khứ rằng đó là cách “bình thường” để được trả cho công việc của họ.
Bạn không thể đổ lỗi cho cha mẹ mình. (Tôi đoán bạn có thể nếu bạn là một “nạn nhân” tốt). Phần lớn bậc cha mẹ thường quá lo lắng bảo vệ con cái, nên rất tự nhiên cho họ việc họ muốn con cái có điều kiện an toàn. Như bạn có lẽ đã hiểu ra, bất cứ công việc nào mà không được trả lương ổn định thường dẫn đến những phản ứng nổi tiếng và đặc trưng của cha mẹ: “Bao giờ con sẽ có một công việc thực sự?”
Tôi còn nhớ, khi mẹ tôi hỏi tôi câu đó, ơn trời – câu trả lời của tôi là: “Con hy vọng là không bao giờ!” Mẹ tôi đã vô cùng thất vọng. Tuy nhiên, cha tôi thì nói: “Chúa phù hộ con. Con sẽ không bao giờ giàu lên được chỉ bằng tiền lương do làm cho người khác. Nếu con muốn đi tìm việc, hãy chắc chắn con được trả theo phần trăm. Nếu không, hãy làm việc cho chính con!”
Qui tắc Thịnh vượng sô 28:
Không bao giờ được có giới hạn trần cho thu nhập của bạn.
Tôi cũng khích lệ bạn làm việc cho bản thân. Hãy bắt đầu việc kinh doanh của chính bạn, làm việc trả theo hoa hồng hay theo phần trăm doanh thu hay lợi tức của công ty, hoặc kinh doanh chứng khoán. Dù công cụ của bạn là gì, hãy chắc chắn bạn tạo ra tình huống để cho phép bạn được trả dựa trên kết quả của bạn.
Cá nhân tôi, tôi tin vào việc tất cả mọi người đều có thể có công việc kinh doanh riêng, đó có thể là toàn thời gian hay bán thời gian. Lý do đầu tiên là tuyệt đại đa số triệu phú đã trở nên giàu có bằng cách làm việc trong chính doanh nghiệp của họ.
Thứ hai, sẽ cực kỳ khó tạo nên thịnh vượng khi người thu thuế sẽ lấy đi một nửa từ tất cả những gì bạn kiếm được. Khi bạn sở hữu một doanh nghiệp, bạn có thể tiết kiệm cả gia tài bằng cách đưa vào khoản tránh thuế một phần lớn chi phí của bạn như xe của bạn, du lịch, đào tạo, thậm chí cả nhà của bạn nữa. Chỉ với một lý do đó thôi đã đáng giá để bạn có doanh nghiệp của bạn rồi.
Nếu bạn không có ý tưởng kinh doanh tuyệt vời, đừng lo: bạn có thể dùng ý tưởng của người khác. Thứ nhất, bạn có thể trở thành người bán hàng theo hoa hồng. Bán hàng là một trong những nghề được trả cao nhất trên thế giới. Nếu bạn giỏi, bạn có thể thu nhập cả cơ nghiệp. Thứ hai, bạn có thể tham gia công ty tiếp thị theo mạng. Có hàng chục những công ty tuyệt vời, và họ có sẵn tất cả những sản phẩm và hệ thống bạn cần để bắt đầu ngay lập tức. Với một số tiền nhỏ bạn có thể trở thành nhà phân phối và có tất cả những lợi ích của việc sở hữu một doanh nghiệp với rất ít những rắc rối hành chính.
Nếu điều đó là phù hợp với bạn, tiếp thị theo mạng có thể là công cụ thuốc nổ cho thịnh vượng. Nhưng, và đây là một nhưng lớn, đừng bao giờ nghĩ dù chỉ một phút rằng bạn sẽ có tất cả miễn phí. Tiếp thị theo mạng sẽ chỉ hiệu quả nếu bạn làm việc hiệu quả. Nó sẽ đòi hỏi đào tạo, thời gian và năng lượng để thành công. Nhưng nếu bạn thành công, thu nhập sẽ trong khoảng 20,000 đến 50,000 đôla mỗi tháng – vâng, mỗi tháng – không phải là hiếm. Trong mọi trường hợp, chỉ đăng ký và trở thành nhà phân phối bán thời gian sẽ cho bạn một vài lợi thế tuyệt vời về thuế, và ai biết, có thể bạn sẽ thích sản phẩm đến nỗi sẽ chào cho người khác và cuối cùng là bạn sẽ kiếm được thu nhập khá để bật lên.
Khả năng khác cho bạn là trao đổi công việc lấy vị trí hợp đồng. Nếu ông chủ của bạn đồng ý, họ sẽ thuê công ty của bạn thay vì thuê bạn để làm chính những công việc bạn đang làm hiện giờ. Cần phải thực hiện một vài thủ tục pháp lý, nhưng trong phần lớn trường hợp, nếu bạn thêm vào mình một hay hai khách hàng nữa, thậm chí bán thời gian, bạn có thể được trả như một chủ doanh nghiệp thay vì như một người làm thuê và hưởng các điều khoản miễn giảm thuế dành cho chủ doanh nghiệp. Ai mà biết được, những khách hàng bán thời gian của bạn có thể trở thành khách hàng toàn thời gian, những người có thể sẽ đem lại cho bạn những cơ hội để nhân bội bản thân bạn, phải thuê thêm người khác mới làm hết những công việc đó. Và khi đó thực tế là bạn sẽ phải điều hành công việc kinh doanh hoàn chỉnh của mình.
Bạn có thể nghĩ, “Chủ của tôi sẽ không bao giờ đồng ý như thế.” Bạn đừng quá chắc chắn về điều đó. Bạn phải hiểu rằng, Công ty phải chịu rất nhiều chi phí để có một nhân viên. Họ không phải chỉ trả lương, họ còn phải trả một khoản tiền không nhỏ thêm vào đó cho chính phủ, thường là vào khoảng 25 phần trăm hoặc hơn nữa so với những gì nhân viên nhận được. Cộng vào đó là các chi phí như phần thưởng trọn gói mà nhân viên thường nhận, và bạn sẽ có lẽ tiết kiệm được 50 phần trăm cho công ty vì đã thuê bạn như một nhà tư vấn độc lập. Tất nhiên, bạn sẽ không được hưởng nhiều quyền lợi bạn có khi là một nhân viên, nhưng chỉ riêng việc bạn tiết kiệm chi phí thuế không thôi, bạn có thể mua được những thứ tốt nhất bạn cần trong đời.
Cuối cùng, cách duy nhất để có thu nhập thực sự xứng đáng giá trị của bạn là hãy chọn được trả theo kết quả công việc của bạn. Một lần nữa, điều cha tôi đã nói là đúng nhất: “Bạn sẽ không bao giờ trở nên giàu có được chỉ bằng việc làm cho ai đó để ăn lương. Nếu bạn phải có một việc làm, hãy đảm bảo bạn được trả theo phần trăm. Bằng không, hãy làm việc cho chính mình!”
Hiện nay, đó vẫn là lời khuyên thông thái!
Lời tuyên bố: Hãy đặt tay lên ngực bạn và nói:
“Tôi chọn được trả dựa trên kết quả của tôi.”
Hãy đặt tay lên trán bạn và nói:
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
Những hành động của Tư Duy Triệu Phú:
1. Nếu hiện nay bạn đang có việc làm trả theo giờ hay lương tháng, hãy nghĩ ra và đề xuất với ông chủ kế hoạch khoán cho bạn sao cho bạn có thể được trả ít nhất một phần dựa trên kết quả của riêng bạn cũng như kết quả của công ty bạn.
Nếu bạn có doanh nghiệp riêng, hãy tạo ra kế hoạch khoán sao cho nhân viên của bạn, thậm chí các nhà cung cấp chính của bạn sẽ được trả dựa chủ yếu trên kết quả của họ và kết quả của doanh nghiệp của bạn.
Hãy đưa các kế hoạch đó vào hành động ngay lập tức.
2. Nếu hiện nay bạn đang làm việc và không được trả tương xứng với giá trị của bạn dựa trên những kết quả bạn đang mang lại, hãy cân nhắc việc bắt đầu công việc riêng của chính bạn. Bạn có thể bắt đầu nó bán thời gian. Bạn có thể dễ dàng tham gia công ty kinh doanh theo mạng hay trở thành huấn luyện viên, đào tạo người khác những gì bạn biết, hoặc đề nghĩ cung cấp dịch vụ tư vấn độc lập của bạn cho công ty bạn đang làm việc, nhưng lần này bạn phải được trả theo thể hiện và kết quả thực tế thay vì chỉ dựa trên thời gian của bạn.
——————————-
Câu chuyện thành công của Sean Nita

Harv thân mến,
Tôi không thể nói hết được chúng tôi phải biết ơn thế nào vì đã được giới thiệu đến khóa học MMI của anh bởi một số người bạn của vợ tôi. Khi đó tôi vừa bị cắt giảm 10,000 đôla tiền lương. Chúng tôi đang rất hoảng sợ và lo lắng tìm kiếm những cơ hội để bù đắp, nếu không thì chúng tôi sẽ không bao giờ vượt lên được nữa.
Trong khóa học Millionaire Mind Intensive chúng tôi đã học được những công cụ giúp chúng tôi tạo ra tự do tài chính. Một khi chúng tôi đưa những công cụ đó vào đúng chỗ, những điều kỳ diệu đã bắt đầu xảy ra. Chúng tôi đã có thẻ mua năm ngôi nhà trong vòng một năm sau. Tất cả với mức lời thấp nhất là 18,000 đôla mỗi cái. Ngôi nhà thứ năm có mức lãi 300,000 đôla, gấp sáu lần mức lương trước đây của tôi! Tôi đã có thể thôi việc sau mười bốn năm và trở thành nhà đầu tư bất động sản toàn thời gian, cho phép tôi có nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè.
Phương pháp dạy của bạn trong từng nhóm cấp độ là một chìa khóa tuyệt vời cho thành công của chúng tôi. Tôi không thể chờ xem những gì đang chờ đón phía trước! Tôi chỉ ước sao mình đã học những cái đó khi tôi ở tuối hai mươi.
Cảm ơn.
Thân ái,
Sean Nita
Seattle, WA

9.1. Suy nghĩ Triệu Phú số 10 - Bí quyết Tư Duy Triệu Phú T.Harv Eker

Người giàu rất biết đón nhận
Người nghèo không biết đón nhận
Nếu phải nêu ra lý do số một làm cho phần lớn mọi người không đạt được hoàn toàn tiềm năng tài chính của họ, thì đó sẽ là điều này: phần lớn mọi người là những người không biết đón nhận. Họ có thể giỏi hoặc không giỏi trong việc cho đi, nhưng họ hoàn toàn kém cỏi trong việc đón nhận. Và vì họ không biết đón nhận, họ không được đón nhận!
Mọi người thấy khó khăn trong việc đón nhận vì một số lý do. Đầu tiên, nhiều người cảm thấy tự mình không xứng đáng hay không có giá trị. Hội chứng này rất phổ biến trong xã hội chúng ta. Tôi đoán rằng có tới hơn 90% cá nhân có cảm giác mình không giỏi lắm.
Suy nghĩ tự ti đó xuất phát từ đâu? Thông thường là từ trong tâm thức. Đối với đa số chúng ta thì suy nghĩ đó xuất phát từ việc phải nghe hai mươi câu “Không!” cho mười câu “Được!”, mười câu “Bạn làm sai rồi!” cho mỗi câu “Bạn làm đúng!”, và năm câu “Sao bạn kém thế!” cho một câu “Bạn giỏi thế!”
Cho dù cha mẹ hay người đỡ đầu luôn hết lòng giúp đỡ, nhưng nhiều người trong số chúng ta vẫn thường có cảm giác không đủ khả năng để có thể liên tục đáp ứng được những gửi gắm và kỳ vọng của họ. Thế nên lần nữa chúng ta lại thấy mình chưa đủ giỏi.
Bên cạnh đó, rất nhiều người lớn lên trong yếu tố trừng phạt vốn có từ lâu trong cuộc sống của chúng ta. Đó là luật không viết thành văn, đơn giản cho rằng nếu bạn làm sai điều gì, bạn sẽ đáng bị phạt. Một số trong chúng ta từng bị phạt bởi cha mẹ mình, một số thì là thầy cô… và một số trong chúng ta trong một tổ chức, một tôn giáo nào đó bị đe dọa bởi đủ mọi kiếu trừng phạt, kể cả không được lên thiên đàng.
Tất nhiên, khi chúng ta đã lớn, tất cả đã qua. Có đúng thế không? Sai! Với phần lớn chúng ta, ấn tượng về sự trừng phạt đã ăn sâu đến nỗi nếu không có ai xung quanh để trừng phạt họ khi họ mắc sai lầm hay chỉ vì chưa đạt đến độ hoàn hảo, họ sẽ tự phạt mình một cách vô thức. Lúc nhỏ, hình thức phạt có thể chỉ là: “Con hư quá, con sẽ không được ăn kẹo”. Hôm nay sự việc này có thể tồn tại dưới dạng: “Bạn kém quá nên sẽ không có tiền”. Điều đó giải thích tại sao một số người tự giới hạn thu nhập của họ, và tại sao một số khác một cách vô thức tự phá hoại thành công của mình.
Không gì ngạc nhiên nhiều người gặp khó khăn trong việc đón nhận. Một lỗi nhỏ xíu và bạn bị kết tội phải chịu gánh nặng khổ sở và cả đời nghèo khó. Bạn nói: “Khắt khe quá” ư? Từ khi nào trí óc ta lại trở nên hợp lý và trắc ẩn thế? Thực ra, tâm trí đã được định hình của họ có một ngăn hồ sơ chứa đầy những sự việc cũ xưa trong quá khứ, với ý nghĩa đã bị cảm nhận chủ quan thay đổi ít nhiều, hòa trộn vào những câu chuyện đầy kịch tính và thảm họa. Sự “có lý” không có ở đó.
Đây là điều tôi dạy trong các khóa học có thể làm các bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Trên thực tế, việc bạn cảm thấy xứng đáng hay không không thành vấn đề, kiểu nào thì bạn vẫn có thể giàu lên. Rất nhiều người giàu không cảm thấy hoàn toàn xứng đáng. Thật ra, một trong những động lực chính thúc đẩy người ta làm giàu là vì họ muốn chứng tỏ bản thân và giá trị của họ cho họ và cho người khác. Ý tưởng rằng gía trị bản thân là cần thiết cho việc có giá trị tài sản chỉ là …một ý tưởng.
Như đã nói, việc làm giàu chỉ để chứng tỏ giá trị bản thân có thể không làm bạn cảm thấy hạnh phúc nhất, nên tốt hơn cả là bạn hãy làm giàu vì những lý do khác. Chỉ có điều quan trọng bạn cần nhận ra rằng cảm giác không xứng đáng của bạn sẽ không ngăn cản bạn hướng đến việc làm giàu. Dựa trên một quan điểm khắt khe về tiền bạc thì việc này có thể thật sự là một động cơ thúc đẩy rất hiệu quả.
Nói như vậy, tôi muốn bạn hiểu điều tôi sẽ chia sẻ với các bạn bây giờ, rõ ràng và mạch lạc. Đây có thể dễ dàng là một trong những thời điểm quan trọng trong đời bạn. Bạn đã sẵn sàng chưa? Nó đây.
Hãy để ý rằng dù bạn có xứng đáng hay không thì đó cũng chỉ là câu chuyện của bạn nghĩ ra. Không điều gì có ý nghĩa, ngoại trừ cái ý nghĩa mà chúng ta gán cho nó. Tôi không biết ý bạn ra sao, nhưng tôi chưa từng nghe nói về bất kỳ ai phải chịu “đánh dấu” lúc mới sinh ra. Liệu bạn có thể hình dung Chúa đóng dấu trên trán từng người khi họ ra đời? “Xứng đáng”, hay “Không xứng đáng”, “Xứng đáng”, “Xứng đáng”, “Không xứng đáng!” Ối, nhất định “Không xứng đáng!” Xin lỗi, tôi không nghĩ mọi thứ hoạt động theo cách đó! Không có ai đi vòng quanh và đóng dấu bạn “Xứng đáng” hay “Không xứng đáng” cả! Chỉ có chính bạn đang làm điều đó. Bạn mới là người quyết định mình “xứng đáng” hay “không xứng đáng”. Mọi việc chỉ đơn giản là quan điểm của bạn. Nếu bạn nói bạn xứng đáng, bạn xứng đáng. Nếu bạn nói bạn không xứng đáng, bạn không xứng đáng. Bao giờ bạn cũng sống đúng theo ý của bạn. Điều này cực kỳ đặc thù, tôi sẽ nhắc lại: bạn sẽ sống đúng theo câu chuyện của bạn. Đơn giản vậy thôi.
Qui tắc Thịnh vượng số 22:
Nếu bạn nói bạn xứng đáng, bạn xứng đáng. Nếu bạn nói bạn không xứng đáng, bạn không xứng đáng. Bao giờ bạn cũng sống đúng theo ý của bạn.
Vậy tại sao người ta lại tự làm điều đó với mình? Tại sao mọi người lại nghĩ ra câu chuyện rằng họ không xứng đáng? Đó chỉ là bản chất tự nhiên của trí óc con người, là do “hệ miễn dịch tinh thần” của chúng ta luôn luôn cố tìm kiếm những gì không ổn. Bạn có để ý, một con sóc không bao giờ lo lắng về những điều như thế? Bạn có thể hình dung một con sóc nói: “Năm nay tôi sẽ không thu nhặt và để dành quả khô nhiều như mọi năm để chuẩn bị cho mùa đông nữa, vì tôi không xứng đáng làm vậy?” Tôi nghi ngờ, bởi vì những tạo hóa có độ thông minh thấp không bao giờ làm thế với bản thân chúng. Chỉ những sinh vật tiến hóa nhất hành tinh là con người chúng ta mới có khả năng tự giới hạn bản thân như thế.
Một câu nói của chính tôi lá: “Nếu một cây sồi cao 30 mét có bộ óc của con người, nó sẽ chỉ tự phát triển đến độ cao 3m!” Vậy nên tôi đề nghị: vì sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu thay đổi câu chuyện của bạn hơn là thay đổi giá trị xứng đáng của bạn, thay vì lo lắng thay đổi giá trị của bạn, hãy thay đổi câu chuyện của bạn. Cách đó nhanh và rẻ hơn nhiều. Đơn giản là hãy nghĩ ra một câu chuyện khác tích cực và hỗ trợ bạn hơn và sống theo nó.
Qui tắc Thịnh vượng số 23:
“Nếu một cây sồi cao 30m có bộ óc của con người thì nó sẽ chỉ tự phát triển đến chiều cao 3m!” – T.Harv Eker
Sau đây là một thủ tục đặc biệt, vậy nên tôi sẽ hỏi bạn để loại trừ mọi sự sao nhãng hiện nay. Hãy ngừng nhai, nói chuyện điện thoại, và ngừng mọi việc bạn đang làm. Đàn ông, nếu muốn, bạn có thể thay áo vét và cà vạt. Phụ nữ, bộ đồ ra ngoài buổi tối là rất tốt. Và nếu các bạn không có đồ gì có vẻ đẳng cấp hay đủ mới, đây có thể là cơ hội để bạn đi mua cho mình bộ lễ phục mới hoàn toàn, hàng hiệu càng tốt.
Nếu bạn đã sẵn sàng, chúng ta hãy bắt đầu. Đề nghị hãy quì xuống một bên gối và trân trọng nâng đầu bạn. Sẵn sàng, bắt đầu. “BẰNG NĂNG LƯỢNG TẠO RA TRONG TÔI, TÔI CHÍNH THỨC TUYÊN BỐ BẠN LÀ NGƯỜI XỨNG ĐÁNG, TỪ NAY TRỞ ĐI VÀ ĐẾN MÃI VỀ SAU!”
Tốt, chúng ta đã xong. Bây giờ bạn có thể đứng lên và ngẩng cao đầu bởi vì cuối cùng bạn đã xứng đáng. Đây là vài lời khuyên của hiền triết: hãy ngừng tin vào cái “xứng đáng” và “không xứng đáng” vớ vẩn đó, và hãy bắt đầu những hành động bạn cần làm để trở nên giàu có!
Lý do chính thứ hai phần lớn mọi người có vấn đề với việc đón nhận là họ tin vào câu châm ngôn: “Cho tốt hơn là nhận”. Tôi xin nói một cách lịch sự nhất có thể về điều đó là: “Thật là sáo rỗng!” Câu châm ngôn đó hoàn toàn gượng gạo, và trong trường hợp bạn không để ý thì nó thường được tuyên truyền bởi những người và nhóm người muốn bạn cho còn họ thì nhận.
Toàn bộ ý tưởng đó thật lố bịch. Cái gì là tốt hơn đây, nóng hay lạnh, to hay nhỏ, trong hay ngoài? Cho và nhận là hai mặt của cùng một đồng xu. Bất kỳ ai quyết định rằng cho đi tốt hơn nhận được đều đơn giản là rất kém môn toán. Đối với mỗi người cho luôn phải có một người nhận, và với mỗi người nhận luôn phải có một người cho.
Qui tắc Thịnh vượng số 24:
Đối với mỗi người cho luôn phải có một người nhận, và với mỗi người nhận luôn phải có một người cho.
Hãy nghĩ về điều đó! Làm sao bạn có thể cho nếu không có ai hoặc cái gì sẽ nhận? Cả hai đều phải nằm trong sự cân bằng tuyệt vời để làm việc theo tương quan một-một, năm mươi-năm mươi. Và vì việc cho và nhận bao giờ cũng phải bằng nhau, chúng cũng bắt buộc phải bằng nhau về mức độ quan trọng.
Ngoài ra, cảm nhận khi cho như thế nào? Phần lớn chúng ta sẽ đồng ý rằng cảm giác cho đi thật tuyệt vời và tràn đầy. Tiếp theo, cảm nhận sẽ thế nào khi bạn muốn cho nhưng người khác không sẵn sàng nhận? Phần lớn chúng ta sẽ đồng ý rằng đó là cảm giác rất tệ hại. Vì bạn biết, nếu bạn không sẵn sàng để nhận, tức là bạn đang bóc lột những người đang muốn cho bạn.
Bạn thực ra đang phủ nhận niềm vui và dễ chịu của họ sẽ đến từ việc cho đi; thay vào đó, họ cảm thấy tệ hại. Tại sao? Lại lần nữa, tất cả đều là năng lượng, và khi bạn muốn cho nhưng không thể, năng lượng đó không thể thoát ra và bị kẹt trong bạn. Sự tắc nghẽn năng lượng đó sẽ làm nó trở thành năng lượng tiêu cực, sinh ra cảm xúc tiêu cực.
Sự thể càng tệ hại hơn khi bạn không sẵn sàng để hoàn toàn đón nhận, khi đó bạn đang rèn luyện vũ trụ để nó không cho bạn! Nó rất đơn giản: nếu bạn không sẵn sàng để nhận phần của mình, phần đó sẽ đến với ai đó sẵn sàng nhận. Đó là một trong các lý do người giàu ngày càng giàu hơn và người nghèo ngày càng nghèo hơn. Không phải bởi vì họ xứng đáng hơn, mà là bởi vì họ luôn sẵn sàng để đón nhận khi phần lớn người nghèo thì không.
Tôi đã học được bài học này một cách rất ngẫu nhiên khi tôi đi cắm trại một mình trong rừng. Khi chuẩn bị cho hai ngày tạm trú tôi đã làm một việc gọi là ngộ ra. Điều đó có nghĩa buộc phần trên nóc lều vào cái cây và rồi buộc đáy lều vào nền đất để tạo ra mái lều bốn mươi lăm độ trên đầu khi tôi ngủ. May sao tôi đã chuẩn bị căn lều nhỏ đó bởi vì trời đã mưa suốt đêm. Khi tôi ra khỏi lều sáng hôm sau, tôi thấy mình và mọi thứ trong lều rất khô ráo.Trong khi đó, tôi ngạc nhiên nhận thấy một vũng sâu tích tụ cạnh đáy lều. Thình lình tôi nghe thấy giọng nói bên trong nói với tôi: “Tự nhiên rất phong phú nhưng không phân biệt. Khi mưa rơi, nó phải rơi đi đâu đó. Nếu một phần khô, phần kia sẽ ướt gấp đôi”. Khi tôi đứng đó bên trên cái vũng nước ấy, tôi bỗng nhận ra đó cũng chính xác là cách đồng tiền hoạt động. Có rất nhiều, rất nhiều tiền xung quanh, hàng tỷ tỷ đôla đang trôi nổi xung quanh, đó là sự phong phú dồi dào vô tận, và nó phải đi đến đâu đó. Cơ hội ở đây là: nếu một ai đó không sẵn sàng để nhận phần mình, nó sẽ phải đi đến với bất kỳ ai khác đang sẵn sàng. Cơn mưa không quan tâm ai nhận nó, và tiền bạc cũng vậy.
Đến điểm này trong các khóa Millionaire Mind tôi dạy mọi người câu cầu nguyện đặc biệt tôi tạo ra sau kinh nghiệm của tôi dưới căn lều. Tất nhiên, nó hơi khó phát âm, nhưng bài học rất hiển nhiên. Nó như sau: “Vũ trụ, nếu bất kỳ ai có điều gì đó tuyệt vời sẽ đến và họ không sẵn sàng để đón nhận nó, hãy gửi nó cho tôi! Tôi mở lòng và sẵn sàng để nhận tất cả mọi ban phúc của Ngài! Cảm ơn”. Tôi có cả khán phòng nhắc lại cùng tôi câu đó và họ phát điên lên! Họ rất phấn khích bởi cảm giác thật tuyệt vời khi hoàn toàn sẵn sàng để đón nhận, và đó là cảm giác tốt bởi vì nó hoàn toàn tự nhiên. Mọi thứ bạn làm ngược lại sẽ chỉ là câu chuyện không phục vụ gì cho ai cả. Hãy để cho câu chuyện của bạn ra đi, còn tiền bạc của bạn thì trở lại.
Người giàu làm việc chăm chỉ và tin tưởng rằng họ hoàn toàn xứng đáng được tưởng thưởng vì các nỗ lực của mình, cũng như giá trị mà họ đem lại cho người khác. Người nghèo làm việc vất vả, nhưng vì những cảm giác không xứng đáng làm họ tin rằng họ không phải là người thích hợp để nhận sự tưởng thưởng, bất kể những nỗ lực và giá trị mà họ đã cho đi. Niềm tin này biến họ thành nạn nhân, và như vậy thì làm sao bạn có thể là một nạn nhân “tốt”, nếu bạn được tưởng thưởng hậu hĩnh?
Nhiều người nghèo thật sự tin rằng họ là người tốt hơn bởi vì họ nghèo. Không hiểu sao họ lại tin rằng mình hiếu thảo hơn, sống tình cảm hơn hay chỉ đơn giản là tốt hơn những người giàu có. Thật là ảo giác vớ vẩn! Cái duy nhất người nghèo có nhiều hơn, đó là nghèo túng! Có lần một người đàn ông tham dự khóa học đi đến gặp tôi trong nước mắt. Ông ta nói: “Tôi thật không hiểu. Làm sao tôi có thể cảm thấy hài lòng khi tôi thì có nhiều tiền, còn người khác lại có quá ít”. Tôi hỏi ông ta một số câu đơn giản: “Ông có thể làm gì cho những người nghèo bằng cách trở thành một người trong số họ? Ông giúp đỡ được ai bằng cách làm cho bản thân trở nên túng quẫn? Có phải ông sẽ làm thêm một miệng ăn phải nuôi? Chẳng lẽ việc làm giàu cho bản thân để rồi có thể thật sự giúp đỡ người khác từ vị thế của một người có tiềm lực thay vì yểm thế lại không tốt hơn sao?”.
Người đàn ông ngừng khóc và thốt lên: “Lần đầu tiên tôi hiểu ra. Tôi không thể tin được là mình lại suy nghĩ vớ vẩn đến như thế. Harv, khi giàu có hơn, tôi sẽ có thể giúp đỡ những người khác. Cảm ơn ông.” Ông ta trở về chỗ mình như một người khác hẳn. Gần đây tôi nhận được email từ ông nói cho tôi biết ông đã có thu nhập gấp mười lần trước kia và ông cảm thấy tự hào về điều đó. Ngoài ra, ông nói, ông cảm thấy thật tự hào khi mình có thể giúp một số bạn bè, gia đình khi họ khó khăn.
Chuyện này đưa ta tới một điểm quan trọng: nếu bạn có điều kiện để có rất nhiều tiền, hãy có nó. Tại sao? Bởi vì sự thực là chúng ta thật là may mắn khi được sống trong xã hội này, trong đó mỗi người thực tế là giàu có so với nhiều người ở các phần khác của thế giới. Một số người thậm chí chẳng có cơ hội để có tiền. Nếu bạn đã là một trong số người may mắn có khả năng đó, và dù các bạn có đọc hay không những cuốn sách như thế này, hãy tận dụng cơ hội của mình vì các giá trị của nó. Hãy trở nên thật giàu và giúp những người khác không có cơ hội như vậy. Tôi thấy điều đó hợp lý hơn nhiều so với việc trở nên túng quẫn và không giúp gì được ai.
Tất nhiên, một số người sẽ nói, “Tiền bạc sẽ thay đổi tôi. Nếu tôi giàu có, tôi có thể trở thành kẻ hợm hĩnh, tham lam.” Thứ nhất, chỉ có những người nghèo mới nói vậy. Đó chẳng qua là cách bao biện khác của sự thất bại, và nó xuất phát từ những nguyên nhân khác trong tiềm thức quá khứ tài chính của họ. Đừng tin điều đó!
Thứ hai, để tôi lập kỷ lục trung thực nhé. Tiền bạc chỉ làm bạn càng trở thành người như bạn vốn là hơn. Nếu bạn bình thường, tiền bạc sẽ cho phép bạn có cơ hội trở thành người chừng mực. Nếu bạn dễ thương, tiền bạc sẽ cho bạn cơ hội trở thành người dễ thương hơn. Nếu bạn hợm hĩnh trong lòng, với tiền bạc bạn có thể còn hợm hĩnh hơn. (Tôi biết là không có từ nào như thế, nhưng nếu bạn thực sự hợm hĩnh, bạn sẽ tìm ra cách). Nếu bạn hào phóng, nhiều tiền hơn sẽ đơn giản là cho phép bạn hào phóng hơn. Và nếu có ai bảo với bạn những điều khác, người đó là kẻ đang khánh kiệt!
Qui tắc Thịnh vượng số 25:
Tiền bạc chỉ làm bạn càng trở thành người như bạn vốn là hơn.
Vậy cần làm gì? Làm sao để bạn trở thành người biết đón nhận hơn?
Trước tiên, hãy bắt đầu chăm sóc bản thân. Nhớ rằng con người là tạo hóa của thói quen, và vì thế bạn sẽ phải thực tập có ý thức việc đón nhận vì cuộc sống tốt hơn của bạn.
Một trong những yếu tố then chốt trong hệ thống quản lý tiền bạc mà chúng tôi hướng dẫn các học viên của mình trong các khóa Millionairre Mind Intensive là sự cần thiết của việc tạo ra một tài khoản Vui chơi, là số tiền (có giới hạn) mà bạn tự cho phép mình sử dụng để chăm sóc bản thân, cho phép bản thân “có cảm giác của một triệu phú”. Về bản chất, tài khoản này có tác dụng như một công cụ giúp bạn công nhận giá trị của bản thân, đồng thời củng cố khả năng đón nhận của mình.
Thứ hai, tôi muốn bạn luyện tập cách trở nên điên điên với sự hưng phấn và thích thú bất cứ khi nào bạn tìm thấy hay nhận được tiền bạc. Thật là buồn cười, khi còn khánh kiệt nếu nhìn thấy đồng xu trên mặt đất tôi thường không chịu cúi khoom thấp đến thế chỉ để nhặt lên một đồng xu. Bây giờ khi tôi giaù có, tôi nhặt lên bất cứ cái gì chỉ cần trông giống tiền. Rồi tôi sẽ hôn nó cầu may mắn và tuyên bố to lên, “Tôi là nam châm hút tiền. Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn.”
Tôi sẽ không đứng đấy để đánh giá hay phân biệt nó. Tiền bạc là tiền bạc, và nhìn thấy tiền bạc là một phước lành từ vũ trụ. Bây giờ, khi tôi hoàn toàn sẵn sàng để đón nhận bất cứ cái gì và tất cả mọi thứ đến với mình, tôi đón nhận!
Tâm hồn rộng mở và thái độ sẵn sàng đón nhận là những yếu tố vô cùng quan trọng một khi bạn muốn tạo ra của cải cho bản thân. Việc này lại càng quan trọng hơn, nếu bạn muốn cất giữ số của cải đó. Nếu bạn là người không biết đón nhận, bạn sẽ không hiểu vì sao một số tiền khá lớn lại thuộc về bạn, thì khả năng là số tiền đó sẽ biến mất một cách nhanh chóng. Lại là qui tắc “đầu tiên là bên trong, sau đó là bên ngoài”. Đầu tiên, hãy mở rộng cái hộp đón nhận của bạn. Rồi hãy nhìn xem tiền bạc sẽ đến để làm đầy nó.
Lại nữa, vũ trụ luôn làm đầy khoảng trống. Nói cách khác, một không gian trống sẽ luôn được làm đầy. Bạn có bao giờ để ý điều gì xảy đến với nhà kho hay nhà xe trống? Nó thường không trống rỗng quá lâu, đúng không? Bạn cũng có để ý thấy rằng, thật lạ là thời gian cần thiết để một động thái xảy ra luôn bằng với thời gian đã dành cho nó? Một khi bạn thật sự mở lòng ra để đón nhận, bạn sẽ được đón nhận.
Còn nữa, một khi bạn trở nên thực sự cởi mở để đón nhận, phần còn lại trong cuộc sống của bạn cũng sẽ có thể đón nhận. Bạn không chỉ nhận được nhiều tiền hơn, mà bạn còn nhận được nhiều tình yêu hơn, nhiều sự an bình cùng nhiều niềm vui hơn và nhiều sự mãn nguyện hơn. Tại sao? Bởi vì một qui tắc khác mà tôi luôn tin và sử dụng, cho rằng: “Cách bạn làm bất cứ cái gì là cách bạn làm tất cả mọi thứ.”
Qui tắc Thịnh vượng số 26:
Cách bạn làm bất cứ cái gì là cách bạn làm tất cả mọi thứ
.
Cái cách bạn hành xử trong một lĩnh vực thường là cách bạn hành xử trong mọi lĩnh vực. Nếu bạn đóng kín bản thân trước việc đón nhận tiền bạc, khả năng là bạn đóng kín bản thân trước việc đón nhận tất cả mọi thứ khác tốt lành trong cuộc sống. Trí óc thường không đặc biệt chỉ rõ khi nào bạn là người không biết đón nhận. Trong thực tế, chính xác đó là điều ngược lại: trí óc có thói quen quá tổng quát hóa mọi thứ và nói, “Cách nó xảy ra, là cách đã xảy ra, mọi lúc và mọi nơi.”
Nếu bạn đã không biết đón nhận, bạn là người không biết đón nhận trong mọi lĩnh vực. Tin tốt lành là khi bạn trở thành người rất biết đón nhận, bạn sẽ rất biết đón nhận ở mọi nơi, mọi lúc, và cởi mở để đón nhận tất cả những gì vũ trụ có cho bạn trong mọi lĩnh vực cuộc đời bạn.
Điều duy nhất bạn phải nhớ là hãy luôn nói “Cảm ơn” mỗi khi bạn đón nhận những điều may mắn đến với mình.
Lời tuyên bố: Hãy đặt tay lên ngực bạn và nói:
“Tôi là người luôn biết đón nhận. Tôi cởi mở và sẵn sàng để đón nhận thật nhiều, thật nhiều tiền trong đời mình!”.Hãy đặt tay lên trán bạn và nói:
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
Những hành động của Tư Duy Triệu Phú:
1. Hãt luyện tập là người rất biết đón nhận. Mỗi lần ai đó cho bạn lời khen hay vật gì đó, đơn giản nói “cảm ơn”. Không đáp trả bằng lời khen lại cho người đó vào đúng lúc đó. Điều đó cho phép bạn hoàn toàn đón nhận và sở hữu lời khen đó thay vì “đẩy” nó ra như phần lớn mọi người thường làm. Điều đó cũng cho phép người cho lời khen niềm vui cho quà mà không bị ném trả lại.

2. Bất kỳ, ý tôi là bất kỳ, số tiền nào bạn nhặt được hoặc nhận được đều nên được hân hoan chào đón. Hãy bước lên và hét lên, “Tôi là nam châm hút tiền bạc. Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn.” Đó là dành cho tiền bạc bạn nhặt được ngoài đường, cho số tiền bạn được tặng, cho số tiền bạn nhận từ chính quyền, cho số tiền lương bạn nhận, và cho số tiền bạn nhận từ các việc kinh doanh của bạn.
Hãy nhớ, vũ trụ được cài đặt để hỗ trợ bạn. Nếu bạn luôn tuyên bố rằng bạn là nam châm hút tiền, và đặc biệt là khi bạn có bằng chứng, vũ trụ sẽ chỉ còn biết nói: “OK,” và gửi nhiều tiền hơn cho bạn.
3. Hãy chiều chuộng bản thân. Ít nhất một lần trong tháng hãy làm gì đó thật đặc biệt để chăm sóc bản thân và tinh thần bạn. Hãy đi mát xa, spa, clb …, hãy gọi một bữa tối cực sang cho bạn, thuê du thuyền hay nhà nghỉ cuối tuần, yêu cầu ai đó mang bữa sáng cho bạn.
(Bạn có thể làm thay đổi với bạn bè hay thành viên gia đình để làm việc này).
Hãy làm những việc cho phép bạn cảm thấy giàu có và xứng đáng. Tuy nhiên, năng lượng bạn tỏa ra từ những trải nghiệm đó sẽ gửi thông điệp tới vũ trụ rằng bạn rất sung túc, và, vũ trụ sẽ chỉ làm việc của nó và nói: “OK”, rồi mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn.

8.9. Suy nghĩ Triệu Phú số 9 - Bí quyết Tư Duy Triệu Phú T.Harv Eker

Người giàu đứng cao hơn những vấn đề của họ
Người nghèo nhỏ bé hơn những vấn đề của họ
Như tôi đã nói, việc làm giàu không phải một cuộc dạo trong công viên. Đó là một chuyến đi đầy ắp những trở ngại, bước ngoặt, và đầy gian truân với vô số những khúc quanh bất ngờ. Con đường dẫn đến sự giàu sang luôn giăng sẵn nhiều cạm bẫy, đường vòng và những điều không lường trước được, và đó chính là lý do khiến đa số mọi người không dám bước vào. Họ ngại những điều rắc rối, phức tạp, những vấn đề hóc búa, và trách nhiệm. Tóm lại, họ không muốn đối mặt với vấn đề khó khăn.
Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa người giàu và người nghèo. Người thành đạt và người giàu có luôn đứng cao hơn các vấn đề của họ, trong khi người thất bại và nghèo khó lại tỏ ra nhỏ bé hơn trước những vấn đề của mình.
Người nghèo sẽ tìm mọi cách để né tránh vấn đề. Vừa thoáng nhìn thấy thử thách là họ thoái lui ngay. Oái ăm là, trong khi nỗ lực tìm cách để không gặp vấn đề thì họ lại gặp vấn đề lớn nhất trong tất cả các vấn đề: họ túng quẫn và tàn tệ. Thế là họ sụp đổ hoàn toàn. Các bạn ạ, bí quyết thành công không phải là cố tránh hay chùn bước hay co rúm lại trước những vấn đề của bạn; bí quyết thành công là phải phát triển bản thân bạn lên để bạn có thể đứng cao hơn bất kỳ một vấn đề khó khăn nào.
Qui tắc Thịnh vượng số 20:
Bí quyết thành công không phải là cố tránh hay chùn bước hay co rúm lại trước những vấn đề của bạn; bí quyết thành công là phải phát triển bản thân bạn lên để bạn có thể đứng cao hơn bất kỳ một vấn đề nào.
Trong thước đo từ 1 đến 10, 1 là thấp nhất, và hình dung bạn là người ở mức độ 2 về sức mạnh của cá tính và thái độ, đang xem xét vấn đề của mức độ 5. Liệu đó là vấn đề lớn hay nhỏ? Từ vị trí của thái độ ở mức 2 thì vấn đề của mức 5 sẽ là một vấn đề lớn.
Giờ hãy hình dung bạn đã phát triển bản thân và đã là cá nhân ở mức độ 8. Liệu vấn đề ở mức độ 5 có còn là vấn đề lớn hay vấn đề nhỏ? Thật kỳ diệu, vẫn vấn đề lớn trước đó giờ lại là vấn đề nhỏ.
Cuối cùng, hãy hình dung bạn đã thực sự hết sức cố gắng và trở thành người ở cấp độ 10. Rồi, liệu vẫn vấn đề ở mức độ 5 đó là vấn đề lớn hay vấn đề nhỏ? Câu trả lời là đó không phải là vấn đề. Nó thậm chí không được ghi trong trí óc bạn như là một vấn đề. Không có năng lượng tiêu cực nào xung quanh nó. Đó chỉ là một tình huống bình thường cần xử lý, như việc đánh răng hay mặc quần áo vậy.
Bạn nên nhớ rằng dù bạn giàu hay nghèo, làm ăn lớn hay làm ăn nhỏ, những vấn đề cũng không tự nó biến mất. Chừng nào bạn còn thở, bạn sẽ còn luôn gặp cái gọi là những vấn đề và những trở ngại trong suốt cuộc đời mình. Tôi sẽ diễn đạt ngắn gọn hơn. Kích cỡ của vấn đề không quan trọng, mà điều quan trọng chính là kích cỡ của bạn!
Điều này có thể đau đớn, nhưng nếu bạn sẵng sàng bước lên mức độ tiếp theo của sự thành công, bạn sẽ phải ý thức về những gì thật sự đang diễn ra trong cuộc sống của bạn. Bạn sẵn sàng chưa? Nào, chúng ta bắt đầu nhé!
Nếu bạn cho rằng mình đang phải đối mặt với một vấn đề lớn trong cuộc sống của bạn, tất cả điều đó có nghĩa là bạn đang là một người bé nhỏ! Đừng bị lừa phỉnh bởi biểu hiện bên ngoài. Thế giới bên ngoài của bạn chỉ là một hình ảnh phản chiếu của thế giới bên trong bạn. Nếu bạn muốn thay đổi lâu dài, hãy thôi chú tâm vào kích cỡ của những vấn đề của bạn, mà hãy tập trung vào tầm cỡ của chính bạn!
Qui tắc Thịnh vượng số 21:
Nếu bạn cho rằng mình đang gặp một vấn đề lớn trong cuộc sống của bạn, tất cả điều đó có nghĩa là bạn đang là một người nhỏ bé!
Một trong những lời nhắc nhở không-khôn ngoan-lắm tôi thường đưa ra cho các học viên trong các khóahọc của tôi là: Bất cứ khi nào bạn cảm thấy như thể mình đang có vấn đề lớn, hãy chỉ lên đầu và nói “ Đó là tôi, là tôi, là tôi!” Cái đó sẽ đánh thức bạn và đưa sự chú ý của bạn về nơi nó thuộc về – là chính bạn. Rồi sau đó, hãy đi từ bản tính tự tôn cao nhất của bạn (chứ không phải là cái tôi nhu nhược), hít một hơi thật sâu và quyết định ngay rằng bây giờ, trong chính giây phút này, rằng bạn sẽ là người lớn cao hơn và không cho phép bất cứ vấn đề hay trở ngại nào có thể gạt bạn ra khỏi hạnh phúc và thành công của bạn.
Các vấn đề bạn có thể giải quyết càng lớn bao nhiêu, doanh nghiệp bạn có thể điều hành càng lớn chừng ấy. Trách nhiệm bạn có thể nhận càng lớn bao nhiêu, số nhân viên bạn có thể quản lý càng nhiều bấy nhiêu; số khách hàng bạn có thể xử lý càng nhiều bao nhiêu, số tiền bạn có thể quản càng lớn bấy nhiêu, và cuối cùng là sự giàu có bạn có thể quản càng lớn bấy nhiêu.
Bạn đã biết, của cải chỉ có thể tăng đến mức độ cố gắng của bạn! Vậy thì mục đích là bạn phải tự phát triển bản thân mình lên một mức độ mà bạn có thể vượt qua bất kỳ vấn đề hay trở ngại nào phát sinh trên con đường làm ra của cải, cũng như gìn giữ được sự giàu có bạn làm ra đó.
Tuy nhiên, gìn giữ sự giàu có là cả một thế giới khác. Ai biết? Tôi chắc tôi không biết. Tôi nghĩ khi bạn làm ra nó, bạn đã làm ra nó! Này bạn. có phải tôi đã nói về sự thực lạnh lùng rằng tôi đã mất một triệu đôla đầu tiên cũng nhanh gần như khi tôi làm ra nó. Bây giờ, đằng sau đó, tôi đã hiểu vấn đề là gì. Trong thời điểm đó “hộp dụng cụ nghề” của tôi chưa đủ lớn và vững chắc để giữ sự giàu có tôi tạo được. May mắn sao, tôi tập luyện được những qui tắc thịnh vượng của Millionaire Mind và có thể tái định hình cách suy nghĩ của mình! Tôi đã không chỉ làm lại được triệu đôla ấy, mà nhờ có kế hoạch tài chính trong tâm thức mới tôi còn làm ra nhiều triệu đôla nữa. Và điều hay nhất là, tôi không chi giữ được nó, tôi còn liên tục nhân nó lên với hệ số kỳ diệu không tin nổi!
Hãy nghĩ về bản thân như một container thịnh vượng của bạn. Nếu chiếc container của bạn nhỏ và tiền bạc của bạn lại lớn, chuyện gì sẽ xảy ra? Bạn sẽ mất nó. Container của bạn sẽ đầy ngắc và số tiền dư ra của bạn sẽ làm ô nhiễm cả khu vực xung quanh. Bạn không thể có nhiều tiền hơn chiếc container đó. Vì vậy, bạn phải lớn lên để trở thành chiếc container lớn hơn sao cho bạn không chỉ có thể giữ được nhiều tiền hơn mà cả để bạn có thể thu hút về nhiều tiền bạc hơn. Vũ trụ không chấp nhận khoảng trống và nếu bạn có một container tiền bạc rất lớn, nó sẽ vội vã làm đầy khoảng trống trong đó.
Một trong những lý do người giàu lớn hơn các vấn đề của họ đưa trở lại điều chúng ta đã thảo luận trước đó. Người giàu không tập trung vào vấn đề, họ luôn tập trung vào mục tiêu của họ. Trí óc nói chung chỉ có thể tập trung vào một điều chính trong một thời điểm nhất định. Điều đó có nghĩa là, hoặc là bạn đang rên rỉ về những vấn đề của mình, hoặc bạn đang tìm giải pháp cho vấn đề đó. Người giàu có và thành đạt là những người có thiên hướng luôn tìm cách giải quyết. Họ dành thời gian và năng lượng để vạch ra chiến lược và lên kế hoạch trả lời những thách thức có thể nảy sinh, đồng thời họ tạo ra các hệ thống để đảm bảo vấn đề đó không xảy ra một lần nữa.
Người nghèo và người không thành công thường có thiên hướng tập trung vào chính các vấn đề. Họ dành thời gian và sinh lực chỉ để chê bai, trách móc, than phiền, mà hiếm khi đưa ra được bất cứ sáng kiến nào nhằm giảm bớt khó khăn, chứ đừng nói đến việc làm sao cho rắc rối không xảy ra nữa.
Người giàu không lùi bước trước vấn đề, cũng không né tránh vấn đề, và đặc biệt không bao giờ than phiền về những vấn đề của họ. Người giàu là những chiến binh can trường trong lĩnh vực tài chính. Trong chương trình đào tạo Enlightened Warrior, định nghĩa về một chiến binh chúng tôi dùng là “người chinh phục chính mình”.
Điểm mấu chốt ở đây là nếu bạn trở thành một chuyên gia lão luyện trong việc xử lý các vấn đề và vượt qua bất kỳ khó khăn nào thì điều gì có thể ngăn cản bạn đến với thành công? Câu trả lời là không gì cả ! Và nếu không gì có thể ngăn cản bạn, bạn trở thành người không thể ngăn cản được! Và nếu bạn trở thành người không thể ngăn cản được, bạn sẽ có những lựa chọn nào trong cuộc đời bạn? Câu trả lời là mọi lựa chọn. Nếu bạn là người không thể ngăn cản được, bất cứ điều gì và tất cả mọi thứ đều là có thể với bạn. Bạn đơn giản chọn nó và nó là của bạn! Hãy hình dung nếu đó là tự do!
Lời tuyên bố: Hãy đặt tay lên ngực bạn và nói:
“Tôi lớn hơn mọi vấn đề!”.
“Tôi có thể xử lý mọi vấn đề!”

Hãy đặt tay lên trán bạn và nói:
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
Những hành động của Tư Duy Triệu Phú:
1. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy lo lắng vì một vấn đề lớn, hãy chỉ tay lên đầu bạn và nói: “Là tôi, là tôi, là tôi!”. Rồi lấy một hơi thở sâu và nói với bản thân: “Tôi có thể giải quyết vấn đề này. Tôi lớn hơn bất cứ vấn đề nào.”
2. Hãy viết ra một vấn đề bạn đang có trong cuộc sống của mình. Rồi viết ra mười hành động cụ thể bạn có thể làm để giải quyết hoặc ít nhất cải thiện tình hình. Điều đó sẽ giúp bạn chuyển từ việc suy nghĩ về vấn đề sang việc suy nghĩ tìm giải pháp cho vấn đề.
Đầu tiên, rất có thể bạn sẽ giải quyết được vấn đề. Thứ hai, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn hẳn.

8.8. Suy nghĩ Triệu Phú số 8 - Bí quyết Tư Duy Triệu Phú T.Harv Eker

Người giàu sẵn sàng tôn vinh bản thân và giá trị của họ
Người nghèo suy nghĩ tiêu cực về bán hàng, quảng bá
Công ty Peak Potentials Training của chúng tôi cung cấp mười hai chương trình đào tạo khác nhau. Trong chương trình đào tạo cơ bản đầu tiên, thường là Millionaire Mind Intensive, chúng tôi thường đề cập một cách ngắn gọn về các khóa học, sau đó đưa ra mức phí và quà tặng đặc biệt đi kèm cho học viên. Thật thú vị khi theo dõi phản ứng của mọi người.
Đa số tỏ ra rất hào hứng. Họ đánh giá cao việc nghe để biết thông tin về các khóa học khác và để nhận được giá học phí và quà tặng đặc biệt. Tuy nhiên, một số người lại tỏ ra không mấy vui. Họ không bằng lòng với bất cứ hình thức quảng bá nào, bất chấp những lợi ích mà chúng có thể mang đến cho họ. Nếu điều này có phần giống phản ứng của bạn thì đó là một chi tiết quan trọng cần lưu ý về bản thân bạn.
Phẫn nộ với việc quảng bá là một trong những rào cản lớn nhất để chạm đến thành công. Những người có vấn đề với việc bán hàng và quảng bá thường khánh kiệt. Điều đó là tất nhiên. Làm sao bạn có thể tạo ra một khoản thu nhập lớn cho doanh nghiệp của mình hay cho công ty nơi bạn đang làm việc, nếu bạn không sẵn sàng để mọi người biết rằng bạn, sản phẩm hay dịch vụ của bạn, đang tồn tại? Thậm chí với tư cách là một nhân viên, nếu bạn không sẵn sàng quảng bá những ưu điểm của mình, thì những người khác sẵn sàng làm thế sẽ nhanh chóng qua mặt bạn trên nấc thang doanh nghiệp.
Mọi người có vấn đề với quảng bá và bán hàng vì một số lý do. Có nhiều khả năng là bạn có thể nhận ra một vài trong số đó sau đây.
Thứ nhất, do bạn đã từng có một trải nghiệm khó chịu trong quá khứ với những người quảng bá đã tiếp cận bạn theo một cách không phù hợp. Có thể bạn đã cảm nhận rằng họ đã cố ép bán bằng được cho bạn. Có thể họ quấy rầy bạn ở một thời điểm rất không thích hợp nào đó. Có thể họ đã không chấp nhận bị từ chối. Trong bất kỳ trường hợp nào, điều quan trọng là bạn phải hiểu rằng trải nghiệm này đã thuộc về quá khứ, và việc bạn cứ để nó bám riết tâm trí mình không thể giúp ích gì cho bạn ngày hôm nay.
Thứ hai, có thể bạn đã từng có những trải nghiệm thất vọng khi bạn đã cố gắng bán một thứ gì đó cho một người nào đó và họ đã từ chối bạn thẳng thừng. Trong khía cạnh đó, việc bạn không thích hoạt động quảng bá chỉ là biểu hiện của nỗi sợ hãi thất bại và sợ bị tự chối của riêng bạn. Bạn đừng quên rằng, quá khứ không nhất thiết bằng với và giống như tương lai.
Thứ ba, vấn đề của bạn có thể xuất phát từ những định kiến trong quá khứ của cha mẹ truyền lại. Nhiều người trong số chúng ta đã được dạy rằng “việc bóp còi của mình” hay “tự đánh bóng bản thân” là thiếu khiêm tốn, không lịch sự. Vâng, thật tuyệt nếu bạn có thể kiếm sống với tư cách là Hoa hậu Phong cách. Thế nhưng trong thế giới thực, khi nói đến tiền bạc và kinh doanh, nếu bạn không “tự đánh bóng bản thân” thì tôi bảo đảm rằng sẽ không có ai đánh bóng bạn cả. Người giàu sẵn sàng phô trương các thế mạnh và giá trị của mình với bất kỳ ai lắng nghe và cũng hy vọng có thể làm ăn với họ.
Cuối cùng, một số người lại nói việc quảng bá không xứng đáng với vị trí của họ. Tôi gọi đây là triệu chứng của căn bệnh kiêu kỳ, còn được biết tới với thái độ: “Tôi không phải là người đặc biệt sao?” Những người này cho rằng nếu thiên hạ muốn những thứ họ có thì bằng cách nào đó người ta nên tìm ra và đến gặp họ. Những người có niềm tin này thường hoặc là túng quẫn hoặc sắp khánh kiệt, chắc chắn là thế. Họ có thể hy vọng rằng ai đó sẽ lùng sục khắp trái đất để tìm ra họ, nhưng sự thực là thị trường luôn đầy ắp những sản phẩm và dịch vụ tương tự, và thậm chí thứ của họ có thể là tốt nhất, vẫn không ai biết điều đó, do họ quá kiêu kỳ để nói điều đó với bất kỳ ai.
Chắc là bạn quen thuộc với câu: “Làm cái bẫy chuột tốt hơn và thế gian sẽ chen nhau tìm đến nhà bạn” hay “Hữu xạ tự nhiên hương”. Vâng, điều đó chỉ đúng nếu bạn thêm năm từ nữa: “nếu họ biết đến nó.”
Hầu như tất cả người giàu có luôn là những người quảng bá tuyệt vời. Họ có thể và sẵn sàng quảng bá sản phẩm, hay dịch vụ của mình, kể cả những ý tưởng của họ với sự đam mê và hăng say. Hơn nữa, họ biết trang trí giá trị của mình một cách khéo léo và rất thu hút. Nếu bạn nghĩ việc đó là có gì đó không ổn hay chỉ đơn giản là không nên làm, thì bạn có thể ra lệnh nghiêm cấm phụ nữ trang điểm, và khi làm điều đó thì bạn có thể cũng tẩy chay luôn bộ comple của các quý ông. Tất cả những cái đó cũng đều không là gì khác hơn “trang trí” cả!
Robert Kiyosaki, tác giả cuốn sách bán chạy nhất Rich Dad. Poor Dad (chuốn sách mà tôi rất khuyến khích bạn đọc), chỉ ra rằng mọi công việc, bao gồm viết sách, phụ thuộc vào việc bán hàng. Anh ta chỉ ra rằng anh ta được công nhận là tác giả bán chạy nhất chứ không phải tác giả viết hay nhất. Một danh hiệu mang lại nhiều lợi ích hơn danh hiệu kia.
Người giàu thường là những người lãnh đạo, và tất cả những lãnh đạo tuyệt vời đều là những người quảng bá tuyệt vời. Để trở thành nhà lãnh đạo, bạn phải có người nghe theo và người ủng hộ, có nghĩa là bạn phải lão luyện trong việc bán hàng, khích lệ, và động viên mọi người hưởng ứng theo tầm nhìn của bạn. Thậm chí tổng thống Hợp chủng quốc Hoa kỳ cũng phải bán không ngừng nghỉ các ý tưởng của mình cho mọi người, cho Thượng viện, thậm chí cho chính đảng của ông ta, để chúng được thực hiện. Và trước khi tất cả việc ấy diễn ra, nếu tổng thống không “bán” chính bản thân mình đầu tiên, thì có lẽ không bao giờ ông ta trở thành tổng thống được cả.
Nói ngắn gọn, nhà lãnh đạo nào không thể hay không muốn quảng bá sẽ không thể là lãnh đạo lâu được, dù trong chính trị, kinh doanh, thể thao hay thậm chí với tư cách những người cha mẹ. Tôi cứ nói đi nói lại mãi điều này bởi vì những người lãnh đạo có thu nhập rất nhiều lần cao hơn những người đi theo họ!
Qui tắc Thịnh vượng số 19:
Những người lãnh đạo có thu nhập rất nhiều lần cao hơn những người đi theo họ!
Điểm mấu chốt ở đây không phải là việc bạn có thích quảng bá hay không, mà là tại sao bạn phải quảng bá. Điều này liên quan đến những niềm tin của bạn. Bạn có thực sự tin tưởng vào giá trị của mình không? Bạn có hoàn toàn tin tưởng vào sản phẩm và dịch vụ mà bạn đang cung cấp không? Bạn có chắc chắn rằng những gì bạn có sẽ mang lại lợi ích cho bất cứ người nào mà bạn tiếp xúc để quảng bá?
Nếu bạn tin tưởng vào giá trị của mình, thì làm sao có thể là hợp lý và thỏa đáng khi cứ giấu điều đó trước những người cần nó? Giả sử bạn có thuốc chữa viêm khớp, và bạn gặp một người đang bị đau đớn vì chứng bệnh này. Liệu bạn có giấu nó với người đó không? Liệu bạn có đợi đến khi người đó đọc được trong đầu bạn hay đoán ra rằng bạn có sản phẩm đó và nó có thể giúp họ? Bạn nghĩ sao về những người không mang khả năng của mình ra giới thiệu với những người bị nạn bởi vì họ quá xấu hổ, quá lo lắng hay quá lạnh lùng với việc quảng bá?
Thường là, những người có vấn đề với quảng bá không hoàn toàn tin tưởng vào sản phẩm của họ hoặc không hoàn toàn tin tưởng vào bản thân họ. Kết quả là, họ khó mà hình dung được rằng người khác tin tưởng chắc chắn vào giá trị của họ mà họ muốn chia sẻ với bất kỳ ai họ gặp bằng bất kỳ cách nào họ có thể.
Nếu bạn tin tưởng rằng cái bạn có để chào bán có thể thực sự giúp đỡ mọi người thì trách nhiệm của bạn là làm cho càng nhiều người càng tốt biết về điều đó. Bằng cách đó bạn không chỉ giúp mọi người, bạn còn trở nên giàu có!
Lời tuyên bố: Hãy đặt tay lên ngực bạn và nói:
“Tôi quảng bá các giá trị của mình tới mọi người với sự nhiệt tình và đam mê”.
Hãy đặt tay lên trán bạn và nói:
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
Những hành động của Tư Duy Triệu Phú:
1. Hãy đánh giá sản phẩm hay dịch vụ bạn đang chào bán (hoặc bạn có kế hoạch chào bán) theo điểm từ 1 đến 10 tùy thuộc bạn tin vào giá trị của nó đến đâu (1 là giá trị thấp nhất, 10 là cao nhất).
Nếu điểm của bạn là 7-9, hãy cải thiện sản phẩm hay dịch vụ của bạn để tăng giá trị của nó.
Nếu kết quả của bạn là 6 hay thấp hơn, hãy ngừng việc chào bán sản phẩm hay dịch vụ đó và bắt đầu giới thiệu bán những gì bạn thực sự tin tưởng.
2. Hãy đọc sách, nghe radio hay CDs, tham gia các khóa học về tiếp thị và bán hàng. Hãy trở thành chuyên gia trong cả hai lĩnh vực trên đến mức bạn có thể quảng bá giá trị bản thân một cách thành công và với 100 phần trăm sự nhất quán.

8.7. Suy nghĩ Triệu Phú số 7 - Bí quyết Tư Duy Triệu Phú T.Harv Eker

Người giàu kết giao với người tích cực và thành công
Người nghèo giao du với người tiêu cực hoặc thất bại
Những người thành công coi những người thành công khác là động lực để khích lệ họ. Họ xem những người thành đạt khác là tấm gương để học hỏi. Họ tự nói với mình: “Nếu họ làm được, tôi có thể làm được”. Như tôi đã nói đến ở phần trên, bắt chước là một trong những cách học hỏi chủ yếu của con người mà.
Người giàu thấy biết ơn những người khác đã thành công trước họ để cho bây giờ họ có kế hoạch thành công mà làm theo, cái sẽ giúp họ đạt được thành công của mình dễ dàng hơn. Tại sao phải phát minh lại cái bánh xe chứ? Đã có sẵn những phương pháp thành công được kiểm chứng và có hiệu quả hầu như đối với tất cả mọi người đã áp dụng.
Như vậy, con đường ngắn nhất và đơn giản nhất để tạo ra thịnh vượng là học hỏi chính xác cách người giàu – những bậc thầy trong việc điều khiển đồng tiền – chơi cuộc chơi tiền bạc. Mục tiêu là hãy làm theo một cách đơn giản các chiến lược chơi bên trong đầu và bên ngoài đời của họ. Điều đó sẽ chỉ có hiệu quả nếu bạn làm theo chính xác cả các hành động và học theo chính xác cả cách suy nghĩ thì khả năng rất cao là bạn sẽ nhận được chính xác cả những kết quả như vậy. Đó là những gì tôi đã làm và đó là những gì cuốn sách này nói đến.
Trái ngược với người giàu, khi người nghèo nghe câu chuyện thành công của người khác họ thường phán xét chúng, phê bình chúng, chỉ trích chúng, nói xấu chúng, và nói chung là tìm mọi cớ để hạ thấp chúng xuống mức của chính họ. Bao nhiêu người trong các bạn biết những ngừời như thế? Bao nhiêu người trong các bạn biết những thành viên gia đình giống như thế? Câu hỏi là, làm sao bạn có thể học hỏi từ – hay được khích lệ bởi – những người mà bạn đánh giá thấp?
Mỗi khi được giới thiệu với một người cực kỳ giàu có, tôi cố gắng tạo ra cơ hội để được ở gần bên họ. Tôi muốn trò chuyện với họ, tìm hiểu xem họ suy nghĩ như thế nào, trao đổi các mối liên hệ, và nếu cả hai có chung quan điểm về những điều gì khác nữa thì chúng tôi có thể trở thành bạn của nhau.
Nhân tiện, nếu bạn nghĩ tôi đã sai lầm khi thích kết thân với những người giàu hơn mình, thì chẳng lẽ bạn muốn tôi chọn bạn bè trong những người túng quẫn hay sao? Tôi không nghĩ thế! Như tôi đã nhắc đến ở trên, năng lượng có thể truyền từ người này sang người khác, và tôi không có ý định để bản thân mình bị trong vòng ảnh hưởng của họ!
Gần đây, trong một buổi trả lời phỏng vấn của tôi trên sóng phát thanh, một người phụ nữ đã gọi điện đến và đưa ra câu hỏi tuyệt vời: “Tôi sẽ làm gì nếu tôi là người lạc quan và muốn vươn lên, nhưng chồng tôi lại là người an phận. Tôi có nên ly dị anh ấy không? Hay tôi nên thử làm anh ấy thay đổi? Mà cụ thể là sẽ phải thay đổi điều gì?” Tôi nghe câu hỏi này cả trăm lần mỗi tuần khi tôi dẫn các khóa học. Hầu như tất cả mọi người đều băn khoăn với cùng một câu hỏi: “Nếu những người mà tôi gần gũi không muốn vươn lên và thậm chí còn chế nhạo tôi về mong muốn thành công và giàu có của tôi thì tôi sẽ phải làm thế nào?”
Đây là câu trả lời của tôi dành cho người phụ nữ gọi điện, cho các học viên và tôi dành cả cho bạn nữa.
Trước hết, đừng thử cố gắng làm cho những người có thái độ tiêu cực thay đổi hay đến dự các lớp học. Đấy không phải là việc của bạn. Việc của bạn là áp dụng những gì bạn học được để bạn và cuộc sống của bạn tốt hơn. Hãy là người gương mẫu, hãy thành đạt, hãy hạnh phúc, và khi đó có thể tôi nhấn mạnh từ có thể – họ sẽ nhìn thấy ánh sáng tỏa ra từ con người bạn và muốn có một chút ánh sáng ấy. Hãy nhớ, năng lượng vốn có khả năng lan truyền. Bóng tối có thể bị xua tan trong ánh sáng. Người ta sẽ phải làm việc nhiều hơn để vẫn là “bóng tối” khi ánh sáng đã chói lòa xung quanh họ. Công việc của bạn đơn giản là cố gắng hết sức bạn có thể.
Thứ hai, bạn hãy ghi nhớ một nguyên tắc khác mà chúng tôi dạy trong khóa học Wizard Training về sự hiển hiện những điều bạn muốn khi giữ cho bản thân điềm tĩnh, tập trung, thanh thản. Qui tắc đó nói rằng: “Mọi sự việc xảy ra đều có nguyên do của nó và nguyên do ấy hiện hữu là để hỗ trợ tôi”. Tất nhiên bạn sẽ rất khó khăn khi phải giữ vững tinh thần lạc quan tích cực và đầu óc tỉnh táo để đối phó với những người trong những hoàn cảnh tiêu cực xung quanh, nhưng đó là thử thách của bạn! Giống như thép được tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, nếu bạn có thể hành động đúng với giá trị của con người mình trong khi những người khác xung quanh nghi ngờ và thậm chí còn chỉ trích bạn, bạn sẽ càng trưởng thành cứng cáp và mạnh mẽ hơn.
Và hãy nhớ rằng “không điều gì có nghĩa ngoại trừ cái ý nghĩa mà bạn đã gắn cho nó”. Trong Phần I cuốn sách này, chúng ta cũng đã thảo luận việc chúng ta thường trở thành “bản sao” của cha mẹ mình, hay ngược lại – trở thành “tấm phim âm bản” của họ, tuỳ theo cách chúng ta nhìn nhận cách xử sự của họ trong cuộc sống. Từ bây giờ, tôi muốn bạn nhìn nhận lại những tính cách tiêu cực của người khác như một lời cảnh báo nhắc nhở bạn không nên như thế.
Họ càng tiêu cực bao nhiêu, bạn lại càng có nhiều lời nhắc nhở về việc cách sống tiêu cực là thực sự tệ hại thế nào. Tôi không khuyên bạn nói cho họ điều đó. Hãy thực hiện chiến lược của mình mà không chỉ trích họ vì cách họ sống. Bởi vì nếu bạn lên tiếng phán xét, phê phán và hạ thấp họ vì cách họ sống và những gì họ làm thì bạn cũng không tốt đẹp hơn họ.
Trong trường hợp tồi tệ nhất, nếu bạn không thể đối phó với năng lượng tiêu cực của họ được nữa, nếu điều đó đưa bạn xuống đến điểm mà bạn không vươn lên được, lúc ấy bạn có thể sẽ phải đưa ra một số quyết định dũng cảm về việc bạn là ai và bạn muốn sống tiếp phần còn lại của đời bạn như thế nào. Tôi không khuyên bạn làm bất cứ việc gì một cách hấp tấp, nhưng tôi sẽ không chấp nhận sống cạnh một người tiêu cực và luôn bác bỏ ước muốn học hỏi và vươn lên của tôi, dù về mặt cá nhân, tinh thần hay tài chính. Tôi sẽ không làm như vậy với bản thân bởi vì tôi quý trọng bản thân mình, cuộc đời mình và tôi xứng đáng được hưởng hạnh phúc và thành đạt trong mức độ có thể. Tôi nhìn vấn đề thế này, có trên 6,3 tỷ người trên trái đất và tại sao tôi phải cột mình vào với một người tiêu cực. Hoặc họ phải tiến lên, hoặc tôi đi tới!
Năng lượng là thứ lây lan: hoặc là bạn ảnh hưởng sang người khác, hoặc là họ tiêm nhiễm sang bạn. Câu này vẫn đúng nếu nói theo thứ tự ngược lại. Mọi người sẽ hoặc là ảnh hưởng bạn, hoặc là tiêm nhiễm bạn. Tôi xin hỏi bạn một câu: Liệu bạn có ôm ghì một người vừa bị bệnh sởi nặng? Phần lớn mọi người sẽ trả lời: “Không, tôi không muốn lây bệnh sởi.” Vâng, nhưng tôi nghĩ là suy nghĩ tiêu cực còn nguy hiểm hơn là bị bệnh sởi trong tâm trí. Thay vì được ủng hộ, bạn lại bị chê bai; thay vì được thỏa mãn, bạn lại bị đánh; thay vì được khích lệ, bạn lạn lại bị thất vọng ê chề. Vậy, bạn thực sự muốn ở gần những người như thế?
Tôi chắc là bạn đã nghe câu “Chim bay cùng đàn” hay “Ngưu tầm ngưu mã tầm mã”? Bạn có biết là phần lớn mọi người có thu nhập kém hơn khoảng hai mươi phần trăm thu nhập trung bình của những người bạn gần gũi nhất của họ? Đó chính là lý do bạn nên nhìn kỹ xem mình đang kết giao với ai, từ đó lựa chọn cẩn thận người mà bạn sẽ bỏ phần lớn thời gian quý báu của mình để được ở bên cạnh họ.
Từ kinh nghiệm của tôi, người giàu có không gia nhập các câu lạc bộ sang trọng, danh giá chỉ để chơi golf. Họ đến là để giao du với những người giàu có và thành đạt khác. Có câu nói khác rằng: “Vấn đề là không phải bạn biết những gì mà là bạn quen biết những ai”. Theo tôi, bạn có thể ghi nhớ kỹ điều đó. Nói gọn, “Nếu bạn muốn cất cánh bay cùng đại bàng, đừng bơi với lũ vịt!”. Tôi muốn nhấn mạnh rằng bạn chỉ nên kết giao với những người lạc quan, thành đạt, và – điều này cũng quan trọng không kém – hãy nhanh chóng tách mình ra khỏi những người có tư tưởng và hành vi tiêu cực.
Tôi cũng nói thêm một điều, bên cạnh đó bạn phải tránh xa các tình huống độc hại không có lợi. Tôi thấy không có lý do gì để lây nhiễm bản thân với những năng lượng độc hại đó. Tôi coi những việc đó bao gồm: cãi cọ nhau, buôn chuyện, nói xấu sau lưng. Tôi cũng tính luôn những việc như: xem ti vi một cách thụ động, trừ khi bạn có thể biến hành động này thành một sự thư giãn, thay vì chỉ coi đó là hình thức giải trí của bạn. Khi xem TV, tôi thường xem các chương trình thể thao. Trước tiên, là vì tôi thích xem những chuyên gia thành thạo, tinh thông trong một lĩnh vực nào đó biểu diễn, mà trong trường hợp này là cuộc thi đấu. Kế đến, vì tôi thích theo dõi các cuộc phỏng vấn sau khi các trận đấu kết thúc. Tôi thích nghe cách suy nghĩ của những nhà vô địch, và đối với tôi, bất kỳ ai đã làm nên thành tích như trong các giải đấu lớn – dù trong môn thể thao nào – đều là một nhà vô địch. Những vận động viên đẳng cấp ấy đều đã đánh bại hàng nghìn người mới được như vậy, điều đó làm cho tôi thán phục họ. Tôi rất thích nghe thái độ suy nghĩ của họ khi thắng cuộc: “Đây là một nỗ lực lớn của toàn đội. Chúng tôi đã thi đấu tốt nhưng vẫn phải tiếp tục cố gắng cải thiện. Chúng tôi muốn cho các bạn thấy rằng việc luyện tập chăm chỉ sẽ được đền đáp xứng đáng”. Thậm chí, tôi cũng thích nghe thái độ suy nghĩ của họ sau khi họ thua: “Đây chỉ là một trận đấu. Chúng tôi sẽ trở lại. Chúng tôi sẽ quên trận đấu này và tập trung cho trận tiếp theo. Chúng tôi sẽ trở lại với các bạn và nói về những gì mà chúng tôi có thể làm tốt hơn, và sau đó chúng tôi làm sẽ tất cả những gì cần thiết để giành chiến thắng.”
Trong Thế vận hội Olympic 2004, Perdita Felicien, đương kim vô địch thế giới người Canada trong cự ly 100m vượt rào, đã có nhiều ưu thế để đoạt huy chương vàng. Trong vòng chung kết, cô bất chợt vấp phải tấm rào chắn đầu tiên và bị ngã đau. Cô không thể hoàn tất cuộc đua. Những giọt nước mắt lăn xuống trên má cô và cô cứ nằm đó khóc trong sự ngỡ ngàng nuối tiếc. Cô đã chuẩn bị cho thời khắc này suốt 4 năm qua với mỗi tuần 7 ngày tập trong vòng 6h liền không nghỉ. Sáng hôm sau, tôi xem buổi họp báo của cô. Tôi ước gì tôi đã thu băng lại chương trình này. Tôi kinh ngạc khi nghe quan điểm của cô gái này. Cô nói: “Tôi không hiểu sao việc ấy lại xảy ra, nhưng thật sự nó đã xảy ra và tôi sẽ tận dụng nó. Tôi sẽ chú tâm nhiều hơn nữa và thậm chí phải luyện tập gian khổ hơn nữa trong bốn năm tới. Ai mà biết được tôi sẽ ra sao nếu tôi giành chiến thắng ngày hôm qua? Có lẽ điều đó sẽ khiến ước muốn của tôi chùng xuống. Tôi cũng không biết nữa. Nhưng giờ đây tôi biết chắc rằng mình đang khao khát chiến thắng hơn bao giờ hết. Tôi sẽ trở lại đường chạy với một phong thái mạnh mẽ hơn nữa.” Khi nghe cô phát biểu, tất cả những gì tôi có thể nói là “Tuyệt vời!” Bạn có thể học hỏi được rất nhiều từ việc lắng nghe các nhà vô địch.
Người giàu giao du với những người chiến thắng. Người nghèo giao du với những kẻ thất bại. Tại sao? Đó là vấn đề của sự thoải mái. Người giàu thấy thoải mái với những người thành công khác. Họ thấy hoàn toàn xứng đáng được như thế. Người nghèo thấy không thoải mái khi gần những người rất thành công. Thường là họ sợ bị từ chối hoặc họ cảm thấy họ không thuộc về nơi đó. Để tự bảo vệ mình, cái tôi của họ sẽ đưa ra những phán xét và phê phán.
Nếu bạn muốn trở nên giàu có, bạn phải thay đổi cách suy nghĩ bên trong để hoàn toàn tin rằng bạn cũng tốt, cũng tài giỏi như những nhà triệu phú hay tỷ phú kia. Tôi đã bị sốc trong các buổi hội thảo của mình khi mọi người lên chỗ tôi và hỏi rằng liệu họ có thể sờ vào người tôi. Họ nói, “Tôi chưa bao giờ sờ vào người một triệu – triệu phú trước đó.” Tôi thường vui vẻ cười, nhưng trong đầu tôi nói, “Cuộc sống thật chớ trêu, tôi không tốt hơn và không khác gì bạn, và chỉ cần bạn bắt đầu hiểu điều đó, bạn sẽ không bị túng quẫn mãi nữa!”
Thưa các bạn, đây không phải chuyện “sờ vào” triệu phú, đây là về sự quyết định rằng bạn là người tốt, xứng đáng như những người khác, và hãy cư xử như thế. Lời khuyên tốt nhất của tôi là: nếu bạn thực sự muốn sờ vào một triệu phú, hãy trở thành một triệu phú!
Tôi hy vọng bạn hiểu ý đó. Thay vì chế nhạo người giàu, hãy bắt chước họ. Thay vì ngượng ngùng né tránh người giàu, hãy tìm hiểu họ. Thay vì nói “Ôi, họ là những người đặc biệt”, hãy nói “Nếu họ có thể làm được điều đó, tôi có thể làm được điều đó.” Cuối cùng, nếu bạn muốn sờ vào một triệu phú, chắc bạn có thể sờ chính mình!
Lời tuyên bố: Hãy đặt tay lên ngực bạn và nói:
“Tôi học theo người giàu và thành công!”.
“Tôi giao du với người giàu và thành công!”
“Nếu họ có thể làm được điều đó, tôi có thể làm được điều đó!”

Hãy đặt tay lên trán bạn và nói:
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
Những hành động của Tư Duy Triệu Phú:
1. Hãy đến thư viện, hiệu sách, hay vào Internet và đọc tiểu sử của một người nào đó rất giaù có và thành công. Như Andrrew Carnegie, John D.Rockefeller, Mary Kay, Donald Trump, Warren Buffett, Jack Welch, Bill Gates, Ted Turner là những ví dụ tốt.
Hãy dùng những câu chuyện đó để làm động lực, để học những chiến lược thành công, và quan trọng nhất, để bắt chước cách suy nghĩ của họ.
2. Hãy tham gia một câu lạc bộ sang trọng, cao cấp, như CLB tennis, golf rèn luyện sức khỏe hay kinh doanh. Hãy hòa trộn với người giàu trong môi trường giàu có.
Hoặc, nếu không có cách nào bạn có thể tham gia một câu lạc bộ cao cấp, hãy đến uống trà hay caffê ở khách sạn cao cấp nhất trong thành phố của bạn. Hãy thoải mái trong môi trường đó và quan sát những người xung quanh, để ý rằng họ không khác gì bạn cả.
3. Hãy xác định hoàn cảnh hay một cá nhân tiêu cực trong cuộc sống của bạn. Hãy tách mình ra khỏi hoàn cảnh hay cá nhân đó. Nếu đó là gia đình hay thành viên gia đình bạn, hãy chọn ở bên họ ít hơn.

4. Hãy ngừng xem các chương trình TV vô bổ, và tránh xa các tin xấu, tình huống xấu.

8.6. Suy nghĩ Triệu Phú số 6 - Bí quyết Tư Duy Triệu Phú T.Harv Eker

Người giàu ngưỡng mộ người thành công và giàu có khác
Người nghèo bực tức với những ai thành công và giàu có
Người nghèo thường nhìn những thành công của người khác bằng cặp mắt oán giận, khinh khị pha lẫn đố kị và ganh ghét. Thậm chí họ còn so bì: “Sao họ lại may mắn thế”, hoặc thầm thì trong hơi thở: “Bọn nhà giàu hợm hĩnh!”
Bạn phải ý thức được rằng nếu bạn nhìn nhận người giàu là xấu, dù ở cách nào, góc độ nào, hoàn cảnh và hình thái nào đi nữa, và bạn muốn trở thành người tốt thì bạn sẽ không bao giờ giàu có. Điều đó là không thể. Làm sao bạn có thể trở thành người mà bạn luôn xem thường hay khinh ghét được?
Thật kỳ lạ khi chứng kiến sự khinh khi và thậm chí oán giận thẳng thừng mà những người nghèo dành cho những người giàu. Cứ như thể họ tin rằng người giàu làm cho họ nghèo vậy. Những lời đại loại như: “Người giàu đã lấy hết tất cả tiền bạc thì còn lại gì cho tôi nữa.” Đúng rồi, đó chính là cách nói của nạn nhân.
Tôi muốn kể cho bạn nghe một câu chuyện, không phải để ca thán, mà đơn giản là để minh họa bằng những ví dụ từ thế giới thực tôi đã trải nghiệm liên quan đến qui tắc này. Trước kia, khi tôi đang được thử thách tài chính, tôi thường lái chiếc xe cũ nát. Việc chuyển làn trên đường không có gì khó cả. Hầu hết mọi người đều nhường cho tôi chen vào. Nhưng khi tôi giàu lên, tôi mua một chiếc Jaguar đen, mới cóng, sang trọng, tôi không thể làm gì khi nhận ra mọi chuyện đã thay đổi thế nào. Thình lình, tất cả mọi người đều cùng ép tôi, cắt qua mặt và thỉnh thoảng còn giơ ngón tay ra hiệu ám chỉ. Thậm chí tôi còn bị họ ném đồ lên người, tất cả chỉ vì một lý do: tôi chạy chiếc Jag.
Một hôm, tôi chạy xe qua khu ngoại ô nghèo của San Diego, mang gà tây đến làm từ thiện nhân dịp Lễ Giáng sinh. Tôi mở cửa kính trần lấy sáng và để ý thấy bốn gã bụi bặm đứng tựa vào phía sau một chiếc xe bán tải sau tôi. Như ở chỗ không người, họ bắt đầu chơi bóng rổ với cái xe của tôi, bằng cách cố ném vỏ lon bia vào cửa kính nóc xe tôi đang mở. Sau đó là năm vết lõm và nhiều vết xước sâu, rồi họ đi qua tôi để lại câu giận dữ “Đồ nhà giàu ghê tởm!”
Tất nhiên, tôi đánh giá đó là sự kiện cá biệt, cho đến khi chỉ hai tuần sau, trong một khu ngoại ô nghèo khác, tôi đậu xe bên đường và quay trở lại trong vòng mười phút sau đó để phát hiện ra cả một bên khóa cửa xe của tôi đã bị hóc.
Lần sau, tôi đến một khu ngoại ô, thuê chiếc Ford Escort, và thật kỳ lạ, tôi không gặp một vấn đề nào. Tôi không khẳng định rằng những khu ngoại ô nghèo có nhiều người xấu, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, chắc chắn là ở đó có thể xảy ra khối chuyện làm người giàu tức giận. Ai biết đâu, có thể đó là một trong số câu chuyện con gà – và – quả trứng: Bởi vì họ túng quẫn nên họ chọc tức người giàu, hoặc bởi vì họ oán giận người giàu nên họ túng quẫn. Theo tôi thì, ai quan tâm đâu? Mọi điều vẫn sẽ như thế, họ vẫn nghèo!
Nói đừng oán giận, đố kị những người giàu có thì thật dễ dàng, nhưng điều này còn tuỳ thuộc vào tâm trạng của bạn, và bất kì ai, kể cả tôi, đều có thể lọt vào chiếc bẫy đó. Gần đây, khi đang ăn tối trong phòng khách sạn của mình, khoảng một giờ trước khi đi đến bục giảng để dạy lớp buổi tối của khóa Millionaire Mind, tôi bật ti vi để xem một trận thi đấu thể thao thì thấy chương trình của Oprah Winfrey. Dù không phải là một người mê các chương trình phỏng vấn trên truyền hình nhưng tôi yêu thích Oprah. Người phụ nữ đó đã tác động đến nhiều người theo một cách tích cực hơn bất kỳ người nào khác trên hành tinh này, kết quả là bà xứng đáng với những đồng tiền kiếm được, và nhiều điều khác nữa!
Lúc ấy, bà đang phỏng vấn nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar, Halle Berry. Hai người trò chuyện về việc như thế nào mà Halle nhận được một trong những hợp đồng đóng phim lớn nhất trong lịch sử dành cho một nữ diễn viên với số tiền lên đến 20 triệu đôla. Halle nói rằng cô không quan tâm lắm đến số tiền đó, cô giành được hợp đồng khổng lồ này để tiên phong cho những phụ nữ khác làm theo. Tôi cảm thấy hồ nghi: “Hừ, cô nghĩ tôi và những người xem chương trình này dễ tin vậy sao? Tốt nhất là cô hãy nhận món tiền không lồ ấy và tăng lương cho bộ phận quan hệ công chúng của cô đi. Đây là câu nói lấy tiếng hay nhất mà tôi từng nghe.”
Tôi cảm nhận chất tiêu cực đang dâng lên trong con người mình, nhưng may sao trong thời khắc đó tôi kịp thời kiểm soát bản thân trước khi sức mạnh đáng sợ ấy chế ngự tôi. “Xóa đi, xóa đi, cảm ơn vì đã chia sẻ”, tôi hét lên thật to với trí óc mình để nhấn chìm giọng điệu của sự ghen tị ấy.
Tôi không thể tin được điều đó. Đây chính là tôi – Ngài Tư Duy Triệu Phú – vừa rồi đã tỏ ra ghen ghét với Halle Berry về số tiền mà cô ta kiếm được. Tôi liền quay ti vi lại và hét thật to: “Hãy tiến lên, cô gái! Hãy nhảy điệu rock đi! Cô đang làm mọi người sửng sốt! Cô xứng đáng nhận được 30 triệu đô la! Chúa phù hộ cô. Cô thật tài giỏi và cô xứng đáng nhận được số tiền ấy”. Thề là tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều.
Bất kể lý do gì khiến cô ấy mong muốn có món tiền này thì vấn đề vẫn không nằm ở chỗ cô ấy mà là ở tôi. Cho dù các ý kiến của tôi không hề tạo được sự khác biệt nào cho tài sản hay hạnh phúc của Halle, nhưng chúng thực sự tạo ra sự khác biệt đối với tài sản và niềm hạnh phúc của tôi. Vì thế, bạn đừng quên rằng những suy nghĩ và quan điểm không tốt mà cũng không xấu, không đúng mà cũng không sai, khi chúng len lỏi vào tâm trí bạn, nhưng chắc chắn chúng có thể làm tăng cường hay suy yếu hạnh phúc và thành công của bạn vì chúng đã đi vào cuốc sống của bạn.
Vào đúng giây phút mà tôi cảm nhận được sức mạnh tiêu cực ấy đang chạy qua cơ thể mình, “quan sát của tôi” rung chuông “báo động” lên, và vì tôi đã huấn luyện bản thân để làm điều đó, tôi lập tức trung hòa hóa sự tiêu cực trong đầu mình. Bạn không nhất thiết phải là người hoàn hảo để trở nên giàu có, nhưng, bạn cần biết nhận ra thời điểm khi suy nghĩ của bạn không hỗ trợ cho bản thân bạn và những người khác, rồi bạn phải nhanh chóng tập trung lại vào những suy nghĩ tích cực hơn. Bạn nghiên cứu cuốn sách này càng nhiều, quá trình này sẽ càng nhanh và dễ, và nếu bạn tham gia khóa Millionaire Mind Intensive, bạn sẽ hoàn toàn dễ dàng điều khiển quá trình này. Tôi biết tôi hay nhắc đến khóa học Millionaire Mind, nhưng xin hãy hiểu cho, tôi sẽ không bị mê mẩn đến thế bởi chương trình này nếu tôi không tận mắt nhìn thấy những kết quả kỳ diệu mọi người đã đạt được trong cuộc sống của họ.
Trong cuốn sách tuyệt vời “Nhà Triệu phú Một phút”, những người bạn tốt của tôi Mark Victor Hansen và Robert Allen đã trích đẫn câu chuyện bất hủ củaRussell H.Conwell trong cuốn sách của ông, “Cánh đồng kim cương” ra đời cách đây hơn một thế kỷ:
Tôi cho rằng bạn nên làm giàu, và làm giàu phải là nhiệm vụ của bạn. Bao nhiêu anh em đồng đạo đã nói với tôi: “Ông, với tư cách là một mục sư Thiên Chúa Giáo, có dành thời gian đi khắp mọi miền đất nước để khuyên mọi người nên làm giàu, kiếm tiền không?” Có, tất nhiên là tôi đã làm như vậy.
Họ hỏi: “Tại sao ông không thuyết giảng về những chân lý trong sách Phúc âm, mà lại nói về việc kiếm tiền của con người? Vì hướng con người đến việc kiếm tiền một cách chân chính chính là mục đích của sách Phúc âm và những người giàu có hoàn toàn có thể là những người thật thà nhất mà bạn gặp trong xã hội.
Vậy mà một người trẻ tuổi vừa ngồi đây tối nay lại nói: “Ồ, lúc nào tôi cũng nghe người ta nói rằng nếu một người có nhiều tiền thì chắc chắn anh ta sẽ không thật thà, là kẻ hèn hạ, ích kỷ và bần tiện.” Bạn ạ, đó chính là lý do khiến bạn không có gì cả, bởi vì bạn luôn giữ trong đầu ý tưởng tiêu cực về con người. Số mệnh của bạn đã được xây trên một nền tảng sai lầm rồi. Để tôi giải thích rõ, chín mươi tám trong một trăm người giàu ở Mỹ là những người trung thực. Đó là lý do vì sao họ giàu có. Đó là lý do vì sao ho được tin cậy trong vấn đề tiền bạc. Đó là lý do họ dẫn dắt những doanh nghiệp lớn và tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người khác cùng làm với họ.
Một người trẻ tuổi khác nói: “Thỉnh thoảng tôi vẫn nghe được có những người kiếm được hàng triệu đôla bất chính”. Vâng, tất nhiên, bạn nghe được, tôi cũng thế. Nhưng trên thực tế việc đó hiếm hoi đến mức báo chí cứ bàn luận mãi về chúng như một vấn đề thời sự nóng hổi khiến bạn có cảm giác rằng tất cả những người giàu có đều là giàu bất chính.
Này bạn, hãy lái xe đưa tôi đến những vùng ngoại ô Philadelphia và giới thiệu tôi với những người chủ của các ngôi nhà xung quanh thành phố tuyệt vời này – những ngôi nhà tuyệt đẹp trong vườn lúc nào cũng nở đầy hoa. Còn tôi sẽ giới thiệu bạn với những người có nhân cách tốt đẹp nhất, những người kinh doanh thành công nhất của chúng tôi, những người chủ nhà danh giá, thật thà, thanh khiết, trung thực và biết chi tiêu tiết kiệm.
Chúng ta vẫn nhắc nhở mọi người chống lại thói tham lam và sử dụng quá nhiều lần các cụm từ mang nghĩa xấu như “lợi lộc bẩn thỉu” đến nỗi người ta có cảm tưởng rằng những ai có nhiều tiền đều xấu xa cả.
Tiền bạc là quyền lực, và bạn nên có nguyện vọng hợp lý để có nó! Bạn nên thế, bởi vì có nó bạn có thể làm nhiều điều tốt hơn là nếu bạn không có nó.
Tiền bạc in ra Kinh thánh, tiền bạc xây nên nhà thờ cho bạn, tiền bạc gửi thiên thần đến cho bạn, và tiền tạc thanh toán cho những thứ bạn cầu xin.
Vì vậy tôi nói rằng, bạn nên giàu có. Nếu bạn có thể làm giàu lương thiện, đó chính là thiên chức của bạn . 

Đoạn văn của Conwell nêu lên nhiều ý kiến tuyệt vời đáng chú ý.
Điểm thứ nhất đề cập đến khả năng được người khác tin tưởng. Trong số tất cả các phẩm chất cần thiết để làm giàu thì việc được người khác tin tưởng phải đứng ở đầu danh sách. Thử nghĩ xem, liệu bạn có đồng ý hợp tác kinh doanh với một người mà bạn không hề tin tưởng, dù chỉ xét về một phương diện nào đó? Không bao giờ!
Như vậy, để có thể làm giàu thì rõ ràng bạn phải được nhiều người, thật nhiều người tin tưởng, và hiển nhiên là khi được nhiều người tin tưởng bạn như vậy thì bản thân bạn cũng phải vốn dĩ là người đáng tin cậy.
Còn những đặc điểm nào khác nữa mà một người cần phải có để làm giàu, và quan trọng hơn là để giữ mãi giàu có. Không nghi ngờ gì, qui luật nào thì bao giờ cũng có ngoại lệ, nhưng trong phần lớn trường hợp, bạn phải là ai mới có thể thành công? Bên cạnh một số cá tính riêng thì bạn phải là người hội tụ những đặc điểm này: tích cực, trọng chữ tín, chuyên tâm, quyết đoán, kiên trì, chăm chỉ, mạnh mẽ, có thiện chí, giao tiếp tốt, thông minh và tinh thông ít nhất một lĩnh vực nào đó.
Yếu tố thú vị tiếp theo trong đoạn văn của Conwell là nhiều người trong chúng ta đã bị tiêm nhiễm ý nghĩ rằng bạn không thể vừa giàu có vừa là một người trung thực, hoặc vừa giàu có vừa thánh thiện. Tôi cũng đã từng suy nghĩ như vậy. Như phần lớn chúng ta, tôi được nghe bạn bè, thầy cô, đài báo tivi và phần còn lại trong xã hội nói rằng người giàu là xấu bằng cách này hay cách khác, rằng họ đều rất tham lam. Đó chính là một cách nghĩ khác sẽ dẫn bạn đến kết thúc bằng việc trở thành người hoàn toàn thất bại. Theo kinh nghiệm thực tế của chính tôi trong đời thực hơn là theo những ngộ nhận cũ dựa trên nỗi sợ, tôi thấy rằng những người giàu có nhất tôi biết cũng là những người tốt nhất.
Khi chuyển đến San Diego tôi đến ở một ngôi nhà trong khu giàu có nhất của thành phố. Tôi rất thích vẻ đẹp của những ngôi nhà ở khu vực đó, nhưng tôi có vài bối rối vì không quen ai cả và tôi cảm thấy tôi chưa hợp với khu này lắm. Kế hoạch của tôi là sống kín đáo và không giao du nhiều với những người giàu hợm hĩnh đó. Tuy nhiên, lũ trẻ nhà tôi, lên năm và bảy tuối khi đó, lại kết bạn với những đứa trẻ hàng xóm khác, và tôi phải đưa chúng về từ những tòa nhà đó hay chở chúng đến chơi. Tôi nhớ lần gõ một cánh cửa gỗ trạm khắc lộng lẫy cao ít nhất sáu mét. Người mẹ mở cửa và, với một giọng thân thiện nhất mà tôi từng nghe, nói “Harv, thật vui được gặp anh, xin mời vào.” Tôi hơi lúng túng khi cô ấy rót mời tôi tách trà và đĩa trái cây. “Họ muốn cái gì đây?” Đầu óc đa nghi của tôi tò mò muốn biết. Rồi chồng cô ấy đến và chơi với bọn trẻ trên sân. Anh ta còn thân thiện hơn: ”Harv, chúng tôi thật vui mừng khi có anh là hàng xóm. Anh phải đến bữa tiệc thịt nướng ngoài trời với chúng tôi tối nay cùng cả nhà nhé.Chúng tôi sẽ giới thiệu anh với tất cả mọi người, và chúng tôi không chấp nhận câu từ chối đâu. Nhân tiện, anh có chơi golf không? Mai tôi sẽ chơi ở câu lạc bộ, sao anh không đến như là khách của tôi?” Lúc đó thì tôi bị sốc. Chuyện gì đã xảy ra với những kẻ nhà giàu hợm hĩnh mà chắc chắn tôi sẽ gặp? Tôi rời khỏi đó, về nhà và nói với vợ tôi rằng chúng tôi được mời dự tiệc ngoài trời.
“Ối trời,” cô ấy kêu lên, “thế em sẽ mặc gì đây?” “Không, em không hiểu rồi” tôi nói, “những người đó đặc biệt dễ chịu và hoàn toàn không hình thức. Chỉ cần là em thôi.”
Chúng tôi đã đến và tối đó đã quen với một số trong những người thân thiện nhất, dễ thương nhất, nghiêm túc nhất, đáng yêu nhất trong cuộc sống của chúng tôi. Cuộc nói chuyện trong một thời điểm nào đó đã chuyển sang đề tài hoạt động từ thiện do một vị khách dẫn dắt. Người này rồi người khác, những tờ séc được lấy ra. Tôi không thể tin được, tôi chứng kiến mọi người xếp hàng để đưa tiền cho người phụ nữ đó. Nhưng mỗi tờ séc đều có điều kiện. Thỏa thuận đó là, trách nhiệm phải từ hai phía, và người phụ nữ đó phải đứng ra làm từ thiện theo mục đích mà những người quyên góp chọn đóng góp cho. Bạn chúng tôi, người đã mời chúng tôi, đã tham gia nhiều buổi quyên góp từ thiện như thế. Hàng năm, họ đề ra mục tiêu là người tài trợ chính trong thành phố cho các hoạt động từ thiện cho Quĩ Khám chữa bệnh Trẻ em. Họ không chỉ góp hàng chục nghìn đôla cho quĩ, mà còn tổ chức những buổi tiệc để quyên góp hàng trăm nghìn đôla khác.
Có một bác sĩ giải phẫu mà chúng tôi khá gần gũi với cả gia đình anh ta. Anh là một trong những bác sĩ giải phẫu tĩnh mạch hàng đầu thế giới và đã kiếm được cả gia tài. Mỗi ngày anh làm bốn đến năm ca giải phẫu, mỗi ca từ 5,000 đôla đến 10,000 đôla.
Tôi kể chuyện anh ta bởi vì cứ thứ ba hàng tuần là ngày “nghỉ”, khi anh ta thường làm giải phẫu tĩnh mạch cho mọi người trong thành phố, những ai không thể trả tiền. Trong ngày đó, anh ta thường làm việc từ 6am đến 10 pm thực hiện càng nhiều ca phẫu thuật càng tốt, thường là trên mười ca, miễn phí. Ngoài ra, anh còn lãnh đạo một tổ chức từ thiện do anh lập ra với sứ mệnh mời thêm các bác sĩ khác tham gia những ngày khám bệnh miễn phí cho mọi người trong cộng đồng nữa.
Không cần thiết phải nói bạn cũng đoán ra, niềm tin bị áp đặt của tôi rằng người giàu tham lam và hợm hĩnh đã hoàn toàn tan biến trong ánh sáng ban ngày của cuộc sồng. Bây giờ tôi biết điều ngược lại mới là sự thật. Theo kinh nghiệm của tôi, những người giàu nhất tôi biết là những người dễ thương nhất tôi biết. Họ cũng là những người rộng lượng nhất. Tôi không nói những người không giàu thì không dễ thương hoặc rộng lượng. Nhưng tôi có thể nói một cách an toàn rằng ý tưởng cho là tất cả những người giàu đều xấu theo cách nào đó không là gì hơn một sự ngu dốt.
Trên thực tế, việc oán ghét người giàu là một trong những cách chắc chắn nhất để trở nên bần cùng. Chúng ta là những tạo hóa của thói quen, và để vượt qua hay thay đổi bất kỳ thói quen nào, chúng ta đều cần phải luyện tập. Thay vì bực bội với người giàu, tôi khuyên bạn nên tập ngưỡng mộ người giàu, tôi muốn các bạn tập cách chúc phúc cho người giàu, và tôi còn muốn bạn học cách yêu qui người giàu. Như thế, từ trong tiềm thức bạn biết rằng khi bạn trở nên giàu có những người khác sẽ ngưỡng mộ bạn, chúc phúc cho bạn và yêu thương bạn, thay vì oán giận với bạn đúng theo cách mà bạn có thể đang làm đối với họ hiện nay.
Một trong những triết lý sống mà tôi tuân theo bắt nguồn từ những câu châm ngôn uyên bác và thâm thúy của người Huna xưa, những lời răn dạy khôn ngoan của các vị bô lão vùng đảo Hawaii. Đó là câu ngạn ngữ sau: Hãy chúc phúc cho những thứ mà bạn muốn có. Nếu bạn thấy một người có một căn nhà đẹp, hãy chúc phúc cho người ấy và chúc phúc cho căn nhà ấy. Nếu bạn thấy một người có một chiếc xe đẹp, hãy chúc phúc cho người ấy và chiếc xe ấy. Nếu bạn thấy một người có một gia đình ấm êm thì hãy chúc phúc cho người ấy và gia đình ấy. Nếu bạn thấymột người có cơ thể đẹp, hãy chúc phúc cho người đó và chúc phúc cho cơ thể họ.
Qui tắc Thịnh vượng số 18:
“Hãy chúc phúc cho những thứ mà bạn muốn có.”
Điểm chính ở đây là, nếu bạn oán giận những gì người giàu có, thì dù bằng cách nào, ở dạng nào, hình thức nào bạn cũng không bao giờ có cái đó.
Cho dù: Nếu bạn thấy một người trong chiếc Jaguar đen lộng lẫy với kính cửa mui xe mở rộng, đừng ném vỏ lon bia vào đó!
Lời tuyên bố: Hãy đặt tay lên ngực bạn và nói:
“Tôi ngưỡng mộ người giàu!”.
“Tôi chúc phúc người giàu!”
“Tôi yêu quí người giàu!”
“Và tôi sẽ trở thành một trong số người giàu!”

Hãy đặt tay lên trán bạn và nói:
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
Những hành động của Tư Duy Triệu Phú:
1. Hãy thực tập triết lý của người Huna “Hãy chúc phúc cho những gì bạn muốn có”.
Hãy chạy xe vòng quanh hay mua tạp chí, ngắm những ngôi nhà đẹp, những chiếc xe sang trọng, đọc về những doanh nghiệp thành công.
Hãy chúc phúc cho tất cả những gì bạn thấy và bạn thích, và chúc phúc cho những người chủ đó và những người liên quan.
2. Hãy viết ra và gửi đi một lá thư ngắn hoặc email cho ai đó bạn biết (không nhất thiết trực tiếp), người rất thành công trong bất cứ lĩnh vực nào đó, nói cho họ biết bạn ngưỡng mộ họ thế nào và hãy vinh danh họ vì những thành tựu của họ.

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More