Tuesday, May 27, 2014

8.8. Suy nghĩ Triệu Phú số 8 - Bí quyết Tư Duy Triệu Phú T.Harv Eker

Người giàu sẵn sàng tôn vinh bản thân và giá trị của họ
Người nghèo suy nghĩ tiêu cực về bán hàng, quảng bá
Công ty Peak Potentials Training của chúng tôi cung cấp mười hai chương trình đào tạo khác nhau. Trong chương trình đào tạo cơ bản đầu tiên, thường là Millionaire Mind Intensive, chúng tôi thường đề cập một cách ngắn gọn về các khóa học, sau đó đưa ra mức phí và quà tặng đặc biệt đi kèm cho học viên. Thật thú vị khi theo dõi phản ứng của mọi người.
Đa số tỏ ra rất hào hứng. Họ đánh giá cao việc nghe để biết thông tin về các khóa học khác và để nhận được giá học phí và quà tặng đặc biệt. Tuy nhiên, một số người lại tỏ ra không mấy vui. Họ không bằng lòng với bất cứ hình thức quảng bá nào, bất chấp những lợi ích mà chúng có thể mang đến cho họ. Nếu điều này có phần giống phản ứng của bạn thì đó là một chi tiết quan trọng cần lưu ý về bản thân bạn.
Phẫn nộ với việc quảng bá là một trong những rào cản lớn nhất để chạm đến thành công. Những người có vấn đề với việc bán hàng và quảng bá thường khánh kiệt. Điều đó là tất nhiên. Làm sao bạn có thể tạo ra một khoản thu nhập lớn cho doanh nghiệp của mình hay cho công ty nơi bạn đang làm việc, nếu bạn không sẵn sàng để mọi người biết rằng bạn, sản phẩm hay dịch vụ của bạn, đang tồn tại? Thậm chí với tư cách là một nhân viên, nếu bạn không sẵn sàng quảng bá những ưu điểm của mình, thì những người khác sẵn sàng làm thế sẽ nhanh chóng qua mặt bạn trên nấc thang doanh nghiệp.
Mọi người có vấn đề với quảng bá và bán hàng vì một số lý do. Có nhiều khả năng là bạn có thể nhận ra một vài trong số đó sau đây.
Thứ nhất, do bạn đã từng có một trải nghiệm khó chịu trong quá khứ với những người quảng bá đã tiếp cận bạn theo một cách không phù hợp. Có thể bạn đã cảm nhận rằng họ đã cố ép bán bằng được cho bạn. Có thể họ quấy rầy bạn ở một thời điểm rất không thích hợp nào đó. Có thể họ đã không chấp nhận bị từ chối. Trong bất kỳ trường hợp nào, điều quan trọng là bạn phải hiểu rằng trải nghiệm này đã thuộc về quá khứ, và việc bạn cứ để nó bám riết tâm trí mình không thể giúp ích gì cho bạn ngày hôm nay.
Thứ hai, có thể bạn đã từng có những trải nghiệm thất vọng khi bạn đã cố gắng bán một thứ gì đó cho một người nào đó và họ đã từ chối bạn thẳng thừng. Trong khía cạnh đó, việc bạn không thích hoạt động quảng bá chỉ là biểu hiện của nỗi sợ hãi thất bại và sợ bị tự chối của riêng bạn. Bạn đừng quên rằng, quá khứ không nhất thiết bằng với và giống như tương lai.
Thứ ba, vấn đề của bạn có thể xuất phát từ những định kiến trong quá khứ của cha mẹ truyền lại. Nhiều người trong số chúng ta đã được dạy rằng “việc bóp còi của mình” hay “tự đánh bóng bản thân” là thiếu khiêm tốn, không lịch sự. Vâng, thật tuyệt nếu bạn có thể kiếm sống với tư cách là Hoa hậu Phong cách. Thế nhưng trong thế giới thực, khi nói đến tiền bạc và kinh doanh, nếu bạn không “tự đánh bóng bản thân” thì tôi bảo đảm rằng sẽ không có ai đánh bóng bạn cả. Người giàu sẵn sàng phô trương các thế mạnh và giá trị của mình với bất kỳ ai lắng nghe và cũng hy vọng có thể làm ăn với họ.
Cuối cùng, một số người lại nói việc quảng bá không xứng đáng với vị trí của họ. Tôi gọi đây là triệu chứng của căn bệnh kiêu kỳ, còn được biết tới với thái độ: “Tôi không phải là người đặc biệt sao?” Những người này cho rằng nếu thiên hạ muốn những thứ họ có thì bằng cách nào đó người ta nên tìm ra và đến gặp họ. Những người có niềm tin này thường hoặc là túng quẫn hoặc sắp khánh kiệt, chắc chắn là thế. Họ có thể hy vọng rằng ai đó sẽ lùng sục khắp trái đất để tìm ra họ, nhưng sự thực là thị trường luôn đầy ắp những sản phẩm và dịch vụ tương tự, và thậm chí thứ của họ có thể là tốt nhất, vẫn không ai biết điều đó, do họ quá kiêu kỳ để nói điều đó với bất kỳ ai.
Chắc là bạn quen thuộc với câu: “Làm cái bẫy chuột tốt hơn và thế gian sẽ chen nhau tìm đến nhà bạn” hay “Hữu xạ tự nhiên hương”. Vâng, điều đó chỉ đúng nếu bạn thêm năm từ nữa: “nếu họ biết đến nó.”
Hầu như tất cả người giàu có luôn là những người quảng bá tuyệt vời. Họ có thể và sẵn sàng quảng bá sản phẩm, hay dịch vụ của mình, kể cả những ý tưởng của họ với sự đam mê và hăng say. Hơn nữa, họ biết trang trí giá trị của mình một cách khéo léo và rất thu hút. Nếu bạn nghĩ việc đó là có gì đó không ổn hay chỉ đơn giản là không nên làm, thì bạn có thể ra lệnh nghiêm cấm phụ nữ trang điểm, và khi làm điều đó thì bạn có thể cũng tẩy chay luôn bộ comple của các quý ông. Tất cả những cái đó cũng đều không là gì khác hơn “trang trí” cả!
Robert Kiyosaki, tác giả cuốn sách bán chạy nhất Rich Dad. Poor Dad (chuốn sách mà tôi rất khuyến khích bạn đọc), chỉ ra rằng mọi công việc, bao gồm viết sách, phụ thuộc vào việc bán hàng. Anh ta chỉ ra rằng anh ta được công nhận là tác giả bán chạy nhất chứ không phải tác giả viết hay nhất. Một danh hiệu mang lại nhiều lợi ích hơn danh hiệu kia.
Người giàu thường là những người lãnh đạo, và tất cả những lãnh đạo tuyệt vời đều là những người quảng bá tuyệt vời. Để trở thành nhà lãnh đạo, bạn phải có người nghe theo và người ủng hộ, có nghĩa là bạn phải lão luyện trong việc bán hàng, khích lệ, và động viên mọi người hưởng ứng theo tầm nhìn của bạn. Thậm chí tổng thống Hợp chủng quốc Hoa kỳ cũng phải bán không ngừng nghỉ các ý tưởng của mình cho mọi người, cho Thượng viện, thậm chí cho chính đảng của ông ta, để chúng được thực hiện. Và trước khi tất cả việc ấy diễn ra, nếu tổng thống không “bán” chính bản thân mình đầu tiên, thì có lẽ không bao giờ ông ta trở thành tổng thống được cả.
Nói ngắn gọn, nhà lãnh đạo nào không thể hay không muốn quảng bá sẽ không thể là lãnh đạo lâu được, dù trong chính trị, kinh doanh, thể thao hay thậm chí với tư cách những người cha mẹ. Tôi cứ nói đi nói lại mãi điều này bởi vì những người lãnh đạo có thu nhập rất nhiều lần cao hơn những người đi theo họ!
Qui tắc Thịnh vượng số 19:
Những người lãnh đạo có thu nhập rất nhiều lần cao hơn những người đi theo họ!
Điểm mấu chốt ở đây không phải là việc bạn có thích quảng bá hay không, mà là tại sao bạn phải quảng bá. Điều này liên quan đến những niềm tin của bạn. Bạn có thực sự tin tưởng vào giá trị của mình không? Bạn có hoàn toàn tin tưởng vào sản phẩm và dịch vụ mà bạn đang cung cấp không? Bạn có chắc chắn rằng những gì bạn có sẽ mang lại lợi ích cho bất cứ người nào mà bạn tiếp xúc để quảng bá?
Nếu bạn tin tưởng vào giá trị của mình, thì làm sao có thể là hợp lý và thỏa đáng khi cứ giấu điều đó trước những người cần nó? Giả sử bạn có thuốc chữa viêm khớp, và bạn gặp một người đang bị đau đớn vì chứng bệnh này. Liệu bạn có giấu nó với người đó không? Liệu bạn có đợi đến khi người đó đọc được trong đầu bạn hay đoán ra rằng bạn có sản phẩm đó và nó có thể giúp họ? Bạn nghĩ sao về những người không mang khả năng của mình ra giới thiệu với những người bị nạn bởi vì họ quá xấu hổ, quá lo lắng hay quá lạnh lùng với việc quảng bá?
Thường là, những người có vấn đề với quảng bá không hoàn toàn tin tưởng vào sản phẩm của họ hoặc không hoàn toàn tin tưởng vào bản thân họ. Kết quả là, họ khó mà hình dung được rằng người khác tin tưởng chắc chắn vào giá trị của họ mà họ muốn chia sẻ với bất kỳ ai họ gặp bằng bất kỳ cách nào họ có thể.
Nếu bạn tin tưởng rằng cái bạn có để chào bán có thể thực sự giúp đỡ mọi người thì trách nhiệm của bạn là làm cho càng nhiều người càng tốt biết về điều đó. Bằng cách đó bạn không chỉ giúp mọi người, bạn còn trở nên giàu có!
Lời tuyên bố: Hãy đặt tay lên ngực bạn và nói:
“Tôi quảng bá các giá trị của mình tới mọi người với sự nhiệt tình và đam mê”.
Hãy đặt tay lên trán bạn và nói:
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
Những hành động của Tư Duy Triệu Phú:
1. Hãy đánh giá sản phẩm hay dịch vụ bạn đang chào bán (hoặc bạn có kế hoạch chào bán) theo điểm từ 1 đến 10 tùy thuộc bạn tin vào giá trị của nó đến đâu (1 là giá trị thấp nhất, 10 là cao nhất).
Nếu điểm của bạn là 7-9, hãy cải thiện sản phẩm hay dịch vụ của bạn để tăng giá trị của nó.
Nếu kết quả của bạn là 6 hay thấp hơn, hãy ngừng việc chào bán sản phẩm hay dịch vụ đó và bắt đầu giới thiệu bán những gì bạn thực sự tin tưởng.
2. Hãy đọc sách, nghe radio hay CDs, tham gia các khóa học về tiếp thị và bán hàng. Hãy trở thành chuyên gia trong cả hai lĩnh vực trên đến mức bạn có thể quảng bá giá trị bản thân một cách thành công và với 100 phần trăm sự nhất quán.

8.7. Suy nghĩ Triệu Phú số 7 - Bí quyết Tư Duy Triệu Phú T.Harv Eker

Người giàu kết giao với người tích cực và thành công
Người nghèo giao du với người tiêu cực hoặc thất bại
Những người thành công coi những người thành công khác là động lực để khích lệ họ. Họ xem những người thành đạt khác là tấm gương để học hỏi. Họ tự nói với mình: “Nếu họ làm được, tôi có thể làm được”. Như tôi đã nói đến ở phần trên, bắt chước là một trong những cách học hỏi chủ yếu của con người mà.
Người giàu thấy biết ơn những người khác đã thành công trước họ để cho bây giờ họ có kế hoạch thành công mà làm theo, cái sẽ giúp họ đạt được thành công của mình dễ dàng hơn. Tại sao phải phát minh lại cái bánh xe chứ? Đã có sẵn những phương pháp thành công được kiểm chứng và có hiệu quả hầu như đối với tất cả mọi người đã áp dụng.
Như vậy, con đường ngắn nhất và đơn giản nhất để tạo ra thịnh vượng là học hỏi chính xác cách người giàu – những bậc thầy trong việc điều khiển đồng tiền – chơi cuộc chơi tiền bạc. Mục tiêu là hãy làm theo một cách đơn giản các chiến lược chơi bên trong đầu và bên ngoài đời của họ. Điều đó sẽ chỉ có hiệu quả nếu bạn làm theo chính xác cả các hành động và học theo chính xác cả cách suy nghĩ thì khả năng rất cao là bạn sẽ nhận được chính xác cả những kết quả như vậy. Đó là những gì tôi đã làm và đó là những gì cuốn sách này nói đến.
Trái ngược với người giàu, khi người nghèo nghe câu chuyện thành công của người khác họ thường phán xét chúng, phê bình chúng, chỉ trích chúng, nói xấu chúng, và nói chung là tìm mọi cớ để hạ thấp chúng xuống mức của chính họ. Bao nhiêu người trong các bạn biết những ngừời như thế? Bao nhiêu người trong các bạn biết những thành viên gia đình giống như thế? Câu hỏi là, làm sao bạn có thể học hỏi từ – hay được khích lệ bởi – những người mà bạn đánh giá thấp?
Mỗi khi được giới thiệu với một người cực kỳ giàu có, tôi cố gắng tạo ra cơ hội để được ở gần bên họ. Tôi muốn trò chuyện với họ, tìm hiểu xem họ suy nghĩ như thế nào, trao đổi các mối liên hệ, và nếu cả hai có chung quan điểm về những điều gì khác nữa thì chúng tôi có thể trở thành bạn của nhau.
Nhân tiện, nếu bạn nghĩ tôi đã sai lầm khi thích kết thân với những người giàu hơn mình, thì chẳng lẽ bạn muốn tôi chọn bạn bè trong những người túng quẫn hay sao? Tôi không nghĩ thế! Như tôi đã nhắc đến ở trên, năng lượng có thể truyền từ người này sang người khác, và tôi không có ý định để bản thân mình bị trong vòng ảnh hưởng của họ!
Gần đây, trong một buổi trả lời phỏng vấn của tôi trên sóng phát thanh, một người phụ nữ đã gọi điện đến và đưa ra câu hỏi tuyệt vời: “Tôi sẽ làm gì nếu tôi là người lạc quan và muốn vươn lên, nhưng chồng tôi lại là người an phận. Tôi có nên ly dị anh ấy không? Hay tôi nên thử làm anh ấy thay đổi? Mà cụ thể là sẽ phải thay đổi điều gì?” Tôi nghe câu hỏi này cả trăm lần mỗi tuần khi tôi dẫn các khóa học. Hầu như tất cả mọi người đều băn khoăn với cùng một câu hỏi: “Nếu những người mà tôi gần gũi không muốn vươn lên và thậm chí còn chế nhạo tôi về mong muốn thành công và giàu có của tôi thì tôi sẽ phải làm thế nào?”
Đây là câu trả lời của tôi dành cho người phụ nữ gọi điện, cho các học viên và tôi dành cả cho bạn nữa.
Trước hết, đừng thử cố gắng làm cho những người có thái độ tiêu cực thay đổi hay đến dự các lớp học. Đấy không phải là việc của bạn. Việc của bạn là áp dụng những gì bạn học được để bạn và cuộc sống của bạn tốt hơn. Hãy là người gương mẫu, hãy thành đạt, hãy hạnh phúc, và khi đó có thể tôi nhấn mạnh từ có thể – họ sẽ nhìn thấy ánh sáng tỏa ra từ con người bạn và muốn có một chút ánh sáng ấy. Hãy nhớ, năng lượng vốn có khả năng lan truyền. Bóng tối có thể bị xua tan trong ánh sáng. Người ta sẽ phải làm việc nhiều hơn để vẫn là “bóng tối” khi ánh sáng đã chói lòa xung quanh họ. Công việc của bạn đơn giản là cố gắng hết sức bạn có thể.
Thứ hai, bạn hãy ghi nhớ một nguyên tắc khác mà chúng tôi dạy trong khóa học Wizard Training về sự hiển hiện những điều bạn muốn khi giữ cho bản thân điềm tĩnh, tập trung, thanh thản. Qui tắc đó nói rằng: “Mọi sự việc xảy ra đều có nguyên do của nó và nguyên do ấy hiện hữu là để hỗ trợ tôi”. Tất nhiên bạn sẽ rất khó khăn khi phải giữ vững tinh thần lạc quan tích cực và đầu óc tỉnh táo để đối phó với những người trong những hoàn cảnh tiêu cực xung quanh, nhưng đó là thử thách của bạn! Giống như thép được tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, nếu bạn có thể hành động đúng với giá trị của con người mình trong khi những người khác xung quanh nghi ngờ và thậm chí còn chỉ trích bạn, bạn sẽ càng trưởng thành cứng cáp và mạnh mẽ hơn.
Và hãy nhớ rằng “không điều gì có nghĩa ngoại trừ cái ý nghĩa mà bạn đã gắn cho nó”. Trong Phần I cuốn sách này, chúng ta cũng đã thảo luận việc chúng ta thường trở thành “bản sao” của cha mẹ mình, hay ngược lại – trở thành “tấm phim âm bản” của họ, tuỳ theo cách chúng ta nhìn nhận cách xử sự của họ trong cuộc sống. Từ bây giờ, tôi muốn bạn nhìn nhận lại những tính cách tiêu cực của người khác như một lời cảnh báo nhắc nhở bạn không nên như thế.
Họ càng tiêu cực bao nhiêu, bạn lại càng có nhiều lời nhắc nhở về việc cách sống tiêu cực là thực sự tệ hại thế nào. Tôi không khuyên bạn nói cho họ điều đó. Hãy thực hiện chiến lược của mình mà không chỉ trích họ vì cách họ sống. Bởi vì nếu bạn lên tiếng phán xét, phê phán và hạ thấp họ vì cách họ sống và những gì họ làm thì bạn cũng không tốt đẹp hơn họ.
Trong trường hợp tồi tệ nhất, nếu bạn không thể đối phó với năng lượng tiêu cực của họ được nữa, nếu điều đó đưa bạn xuống đến điểm mà bạn không vươn lên được, lúc ấy bạn có thể sẽ phải đưa ra một số quyết định dũng cảm về việc bạn là ai và bạn muốn sống tiếp phần còn lại của đời bạn như thế nào. Tôi không khuyên bạn làm bất cứ việc gì một cách hấp tấp, nhưng tôi sẽ không chấp nhận sống cạnh một người tiêu cực và luôn bác bỏ ước muốn học hỏi và vươn lên của tôi, dù về mặt cá nhân, tinh thần hay tài chính. Tôi sẽ không làm như vậy với bản thân bởi vì tôi quý trọng bản thân mình, cuộc đời mình và tôi xứng đáng được hưởng hạnh phúc và thành đạt trong mức độ có thể. Tôi nhìn vấn đề thế này, có trên 6,3 tỷ người trên trái đất và tại sao tôi phải cột mình vào với một người tiêu cực. Hoặc họ phải tiến lên, hoặc tôi đi tới!
Năng lượng là thứ lây lan: hoặc là bạn ảnh hưởng sang người khác, hoặc là họ tiêm nhiễm sang bạn. Câu này vẫn đúng nếu nói theo thứ tự ngược lại. Mọi người sẽ hoặc là ảnh hưởng bạn, hoặc là tiêm nhiễm bạn. Tôi xin hỏi bạn một câu: Liệu bạn có ôm ghì một người vừa bị bệnh sởi nặng? Phần lớn mọi người sẽ trả lời: “Không, tôi không muốn lây bệnh sởi.” Vâng, nhưng tôi nghĩ là suy nghĩ tiêu cực còn nguy hiểm hơn là bị bệnh sởi trong tâm trí. Thay vì được ủng hộ, bạn lại bị chê bai; thay vì được thỏa mãn, bạn lại bị đánh; thay vì được khích lệ, bạn lạn lại bị thất vọng ê chề. Vậy, bạn thực sự muốn ở gần những người như thế?
Tôi chắc là bạn đã nghe câu “Chim bay cùng đàn” hay “Ngưu tầm ngưu mã tầm mã”? Bạn có biết là phần lớn mọi người có thu nhập kém hơn khoảng hai mươi phần trăm thu nhập trung bình của những người bạn gần gũi nhất của họ? Đó chính là lý do bạn nên nhìn kỹ xem mình đang kết giao với ai, từ đó lựa chọn cẩn thận người mà bạn sẽ bỏ phần lớn thời gian quý báu của mình để được ở bên cạnh họ.
Từ kinh nghiệm của tôi, người giàu có không gia nhập các câu lạc bộ sang trọng, danh giá chỉ để chơi golf. Họ đến là để giao du với những người giàu có và thành đạt khác. Có câu nói khác rằng: “Vấn đề là không phải bạn biết những gì mà là bạn quen biết những ai”. Theo tôi, bạn có thể ghi nhớ kỹ điều đó. Nói gọn, “Nếu bạn muốn cất cánh bay cùng đại bàng, đừng bơi với lũ vịt!”. Tôi muốn nhấn mạnh rằng bạn chỉ nên kết giao với những người lạc quan, thành đạt, và – điều này cũng quan trọng không kém – hãy nhanh chóng tách mình ra khỏi những người có tư tưởng và hành vi tiêu cực.
Tôi cũng nói thêm một điều, bên cạnh đó bạn phải tránh xa các tình huống độc hại không có lợi. Tôi thấy không có lý do gì để lây nhiễm bản thân với những năng lượng độc hại đó. Tôi coi những việc đó bao gồm: cãi cọ nhau, buôn chuyện, nói xấu sau lưng. Tôi cũng tính luôn những việc như: xem ti vi một cách thụ động, trừ khi bạn có thể biến hành động này thành một sự thư giãn, thay vì chỉ coi đó là hình thức giải trí của bạn. Khi xem TV, tôi thường xem các chương trình thể thao. Trước tiên, là vì tôi thích xem những chuyên gia thành thạo, tinh thông trong một lĩnh vực nào đó biểu diễn, mà trong trường hợp này là cuộc thi đấu. Kế đến, vì tôi thích theo dõi các cuộc phỏng vấn sau khi các trận đấu kết thúc. Tôi thích nghe cách suy nghĩ của những nhà vô địch, và đối với tôi, bất kỳ ai đã làm nên thành tích như trong các giải đấu lớn – dù trong môn thể thao nào – đều là một nhà vô địch. Những vận động viên đẳng cấp ấy đều đã đánh bại hàng nghìn người mới được như vậy, điều đó làm cho tôi thán phục họ. Tôi rất thích nghe thái độ suy nghĩ của họ khi thắng cuộc: “Đây là một nỗ lực lớn của toàn đội. Chúng tôi đã thi đấu tốt nhưng vẫn phải tiếp tục cố gắng cải thiện. Chúng tôi muốn cho các bạn thấy rằng việc luyện tập chăm chỉ sẽ được đền đáp xứng đáng”. Thậm chí, tôi cũng thích nghe thái độ suy nghĩ của họ sau khi họ thua: “Đây chỉ là một trận đấu. Chúng tôi sẽ trở lại. Chúng tôi sẽ quên trận đấu này và tập trung cho trận tiếp theo. Chúng tôi sẽ trở lại với các bạn và nói về những gì mà chúng tôi có thể làm tốt hơn, và sau đó chúng tôi làm sẽ tất cả những gì cần thiết để giành chiến thắng.”
Trong Thế vận hội Olympic 2004, Perdita Felicien, đương kim vô địch thế giới người Canada trong cự ly 100m vượt rào, đã có nhiều ưu thế để đoạt huy chương vàng. Trong vòng chung kết, cô bất chợt vấp phải tấm rào chắn đầu tiên và bị ngã đau. Cô không thể hoàn tất cuộc đua. Những giọt nước mắt lăn xuống trên má cô và cô cứ nằm đó khóc trong sự ngỡ ngàng nuối tiếc. Cô đã chuẩn bị cho thời khắc này suốt 4 năm qua với mỗi tuần 7 ngày tập trong vòng 6h liền không nghỉ. Sáng hôm sau, tôi xem buổi họp báo của cô. Tôi ước gì tôi đã thu băng lại chương trình này. Tôi kinh ngạc khi nghe quan điểm của cô gái này. Cô nói: “Tôi không hiểu sao việc ấy lại xảy ra, nhưng thật sự nó đã xảy ra và tôi sẽ tận dụng nó. Tôi sẽ chú tâm nhiều hơn nữa và thậm chí phải luyện tập gian khổ hơn nữa trong bốn năm tới. Ai mà biết được tôi sẽ ra sao nếu tôi giành chiến thắng ngày hôm qua? Có lẽ điều đó sẽ khiến ước muốn của tôi chùng xuống. Tôi cũng không biết nữa. Nhưng giờ đây tôi biết chắc rằng mình đang khao khát chiến thắng hơn bao giờ hết. Tôi sẽ trở lại đường chạy với một phong thái mạnh mẽ hơn nữa.” Khi nghe cô phát biểu, tất cả những gì tôi có thể nói là “Tuyệt vời!” Bạn có thể học hỏi được rất nhiều từ việc lắng nghe các nhà vô địch.
Người giàu giao du với những người chiến thắng. Người nghèo giao du với những kẻ thất bại. Tại sao? Đó là vấn đề của sự thoải mái. Người giàu thấy thoải mái với những người thành công khác. Họ thấy hoàn toàn xứng đáng được như thế. Người nghèo thấy không thoải mái khi gần những người rất thành công. Thường là họ sợ bị từ chối hoặc họ cảm thấy họ không thuộc về nơi đó. Để tự bảo vệ mình, cái tôi của họ sẽ đưa ra những phán xét và phê phán.
Nếu bạn muốn trở nên giàu có, bạn phải thay đổi cách suy nghĩ bên trong để hoàn toàn tin rằng bạn cũng tốt, cũng tài giỏi như những nhà triệu phú hay tỷ phú kia. Tôi đã bị sốc trong các buổi hội thảo của mình khi mọi người lên chỗ tôi và hỏi rằng liệu họ có thể sờ vào người tôi. Họ nói, “Tôi chưa bao giờ sờ vào người một triệu – triệu phú trước đó.” Tôi thường vui vẻ cười, nhưng trong đầu tôi nói, “Cuộc sống thật chớ trêu, tôi không tốt hơn và không khác gì bạn, và chỉ cần bạn bắt đầu hiểu điều đó, bạn sẽ không bị túng quẫn mãi nữa!”
Thưa các bạn, đây không phải chuyện “sờ vào” triệu phú, đây là về sự quyết định rằng bạn là người tốt, xứng đáng như những người khác, và hãy cư xử như thế. Lời khuyên tốt nhất của tôi là: nếu bạn thực sự muốn sờ vào một triệu phú, hãy trở thành một triệu phú!
Tôi hy vọng bạn hiểu ý đó. Thay vì chế nhạo người giàu, hãy bắt chước họ. Thay vì ngượng ngùng né tránh người giàu, hãy tìm hiểu họ. Thay vì nói “Ôi, họ là những người đặc biệt”, hãy nói “Nếu họ có thể làm được điều đó, tôi có thể làm được điều đó.” Cuối cùng, nếu bạn muốn sờ vào một triệu phú, chắc bạn có thể sờ chính mình!
Lời tuyên bố: Hãy đặt tay lên ngực bạn và nói:
“Tôi học theo người giàu và thành công!”.
“Tôi giao du với người giàu và thành công!”
“Nếu họ có thể làm được điều đó, tôi có thể làm được điều đó!”

Hãy đặt tay lên trán bạn và nói:
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
Những hành động của Tư Duy Triệu Phú:
1. Hãy đến thư viện, hiệu sách, hay vào Internet và đọc tiểu sử của một người nào đó rất giaù có và thành công. Như Andrrew Carnegie, John D.Rockefeller, Mary Kay, Donald Trump, Warren Buffett, Jack Welch, Bill Gates, Ted Turner là những ví dụ tốt.
Hãy dùng những câu chuyện đó để làm động lực, để học những chiến lược thành công, và quan trọng nhất, để bắt chước cách suy nghĩ của họ.
2. Hãy tham gia một câu lạc bộ sang trọng, cao cấp, như CLB tennis, golf rèn luyện sức khỏe hay kinh doanh. Hãy hòa trộn với người giàu trong môi trường giàu có.
Hoặc, nếu không có cách nào bạn có thể tham gia một câu lạc bộ cao cấp, hãy đến uống trà hay caffê ở khách sạn cao cấp nhất trong thành phố của bạn. Hãy thoải mái trong môi trường đó và quan sát những người xung quanh, để ý rằng họ không khác gì bạn cả.
3. Hãy xác định hoàn cảnh hay một cá nhân tiêu cực trong cuộc sống của bạn. Hãy tách mình ra khỏi hoàn cảnh hay cá nhân đó. Nếu đó là gia đình hay thành viên gia đình bạn, hãy chọn ở bên họ ít hơn.

4. Hãy ngừng xem các chương trình TV vô bổ, và tránh xa các tin xấu, tình huống xấu.

8.6. Suy nghĩ Triệu Phú số 6 - Bí quyết Tư Duy Triệu Phú T.Harv Eker

Người giàu ngưỡng mộ người thành công và giàu có khác
Người nghèo bực tức với những ai thành công và giàu có
Người nghèo thường nhìn những thành công của người khác bằng cặp mắt oán giận, khinh khị pha lẫn đố kị và ganh ghét. Thậm chí họ còn so bì: “Sao họ lại may mắn thế”, hoặc thầm thì trong hơi thở: “Bọn nhà giàu hợm hĩnh!”
Bạn phải ý thức được rằng nếu bạn nhìn nhận người giàu là xấu, dù ở cách nào, góc độ nào, hoàn cảnh và hình thái nào đi nữa, và bạn muốn trở thành người tốt thì bạn sẽ không bao giờ giàu có. Điều đó là không thể. Làm sao bạn có thể trở thành người mà bạn luôn xem thường hay khinh ghét được?
Thật kỳ lạ khi chứng kiến sự khinh khi và thậm chí oán giận thẳng thừng mà những người nghèo dành cho những người giàu. Cứ như thể họ tin rằng người giàu làm cho họ nghèo vậy. Những lời đại loại như: “Người giàu đã lấy hết tất cả tiền bạc thì còn lại gì cho tôi nữa.” Đúng rồi, đó chính là cách nói của nạn nhân.
Tôi muốn kể cho bạn nghe một câu chuyện, không phải để ca thán, mà đơn giản là để minh họa bằng những ví dụ từ thế giới thực tôi đã trải nghiệm liên quan đến qui tắc này. Trước kia, khi tôi đang được thử thách tài chính, tôi thường lái chiếc xe cũ nát. Việc chuyển làn trên đường không có gì khó cả. Hầu hết mọi người đều nhường cho tôi chen vào. Nhưng khi tôi giàu lên, tôi mua một chiếc Jaguar đen, mới cóng, sang trọng, tôi không thể làm gì khi nhận ra mọi chuyện đã thay đổi thế nào. Thình lình, tất cả mọi người đều cùng ép tôi, cắt qua mặt và thỉnh thoảng còn giơ ngón tay ra hiệu ám chỉ. Thậm chí tôi còn bị họ ném đồ lên người, tất cả chỉ vì một lý do: tôi chạy chiếc Jag.
Một hôm, tôi chạy xe qua khu ngoại ô nghèo của San Diego, mang gà tây đến làm từ thiện nhân dịp Lễ Giáng sinh. Tôi mở cửa kính trần lấy sáng và để ý thấy bốn gã bụi bặm đứng tựa vào phía sau một chiếc xe bán tải sau tôi. Như ở chỗ không người, họ bắt đầu chơi bóng rổ với cái xe của tôi, bằng cách cố ném vỏ lon bia vào cửa kính nóc xe tôi đang mở. Sau đó là năm vết lõm và nhiều vết xước sâu, rồi họ đi qua tôi để lại câu giận dữ “Đồ nhà giàu ghê tởm!”
Tất nhiên, tôi đánh giá đó là sự kiện cá biệt, cho đến khi chỉ hai tuần sau, trong một khu ngoại ô nghèo khác, tôi đậu xe bên đường và quay trở lại trong vòng mười phút sau đó để phát hiện ra cả một bên khóa cửa xe của tôi đã bị hóc.
Lần sau, tôi đến một khu ngoại ô, thuê chiếc Ford Escort, và thật kỳ lạ, tôi không gặp một vấn đề nào. Tôi không khẳng định rằng những khu ngoại ô nghèo có nhiều người xấu, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, chắc chắn là ở đó có thể xảy ra khối chuyện làm người giàu tức giận. Ai biết đâu, có thể đó là một trong số câu chuyện con gà – và – quả trứng: Bởi vì họ túng quẫn nên họ chọc tức người giàu, hoặc bởi vì họ oán giận người giàu nên họ túng quẫn. Theo tôi thì, ai quan tâm đâu? Mọi điều vẫn sẽ như thế, họ vẫn nghèo!
Nói đừng oán giận, đố kị những người giàu có thì thật dễ dàng, nhưng điều này còn tuỳ thuộc vào tâm trạng của bạn, và bất kì ai, kể cả tôi, đều có thể lọt vào chiếc bẫy đó. Gần đây, khi đang ăn tối trong phòng khách sạn của mình, khoảng một giờ trước khi đi đến bục giảng để dạy lớp buổi tối của khóa Millionaire Mind, tôi bật ti vi để xem một trận thi đấu thể thao thì thấy chương trình của Oprah Winfrey. Dù không phải là một người mê các chương trình phỏng vấn trên truyền hình nhưng tôi yêu thích Oprah. Người phụ nữ đó đã tác động đến nhiều người theo một cách tích cực hơn bất kỳ người nào khác trên hành tinh này, kết quả là bà xứng đáng với những đồng tiền kiếm được, và nhiều điều khác nữa!
Lúc ấy, bà đang phỏng vấn nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar, Halle Berry. Hai người trò chuyện về việc như thế nào mà Halle nhận được một trong những hợp đồng đóng phim lớn nhất trong lịch sử dành cho một nữ diễn viên với số tiền lên đến 20 triệu đôla. Halle nói rằng cô không quan tâm lắm đến số tiền đó, cô giành được hợp đồng khổng lồ này để tiên phong cho những phụ nữ khác làm theo. Tôi cảm thấy hồ nghi: “Hừ, cô nghĩ tôi và những người xem chương trình này dễ tin vậy sao? Tốt nhất là cô hãy nhận món tiền không lồ ấy và tăng lương cho bộ phận quan hệ công chúng của cô đi. Đây là câu nói lấy tiếng hay nhất mà tôi từng nghe.”
Tôi cảm nhận chất tiêu cực đang dâng lên trong con người mình, nhưng may sao trong thời khắc đó tôi kịp thời kiểm soát bản thân trước khi sức mạnh đáng sợ ấy chế ngự tôi. “Xóa đi, xóa đi, cảm ơn vì đã chia sẻ”, tôi hét lên thật to với trí óc mình để nhấn chìm giọng điệu của sự ghen tị ấy.
Tôi không thể tin được điều đó. Đây chính là tôi – Ngài Tư Duy Triệu Phú – vừa rồi đã tỏ ra ghen ghét với Halle Berry về số tiền mà cô ta kiếm được. Tôi liền quay ti vi lại và hét thật to: “Hãy tiến lên, cô gái! Hãy nhảy điệu rock đi! Cô đang làm mọi người sửng sốt! Cô xứng đáng nhận được 30 triệu đô la! Chúa phù hộ cô. Cô thật tài giỏi và cô xứng đáng nhận được số tiền ấy”. Thề là tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều.
Bất kể lý do gì khiến cô ấy mong muốn có món tiền này thì vấn đề vẫn không nằm ở chỗ cô ấy mà là ở tôi. Cho dù các ý kiến của tôi không hề tạo được sự khác biệt nào cho tài sản hay hạnh phúc của Halle, nhưng chúng thực sự tạo ra sự khác biệt đối với tài sản và niềm hạnh phúc của tôi. Vì thế, bạn đừng quên rằng những suy nghĩ và quan điểm không tốt mà cũng không xấu, không đúng mà cũng không sai, khi chúng len lỏi vào tâm trí bạn, nhưng chắc chắn chúng có thể làm tăng cường hay suy yếu hạnh phúc và thành công của bạn vì chúng đã đi vào cuốc sống của bạn.
Vào đúng giây phút mà tôi cảm nhận được sức mạnh tiêu cực ấy đang chạy qua cơ thể mình, “quan sát của tôi” rung chuông “báo động” lên, và vì tôi đã huấn luyện bản thân để làm điều đó, tôi lập tức trung hòa hóa sự tiêu cực trong đầu mình. Bạn không nhất thiết phải là người hoàn hảo để trở nên giàu có, nhưng, bạn cần biết nhận ra thời điểm khi suy nghĩ của bạn không hỗ trợ cho bản thân bạn và những người khác, rồi bạn phải nhanh chóng tập trung lại vào những suy nghĩ tích cực hơn. Bạn nghiên cứu cuốn sách này càng nhiều, quá trình này sẽ càng nhanh và dễ, và nếu bạn tham gia khóa Millionaire Mind Intensive, bạn sẽ hoàn toàn dễ dàng điều khiển quá trình này. Tôi biết tôi hay nhắc đến khóa học Millionaire Mind, nhưng xin hãy hiểu cho, tôi sẽ không bị mê mẩn đến thế bởi chương trình này nếu tôi không tận mắt nhìn thấy những kết quả kỳ diệu mọi người đã đạt được trong cuộc sống của họ.
Trong cuốn sách tuyệt vời “Nhà Triệu phú Một phút”, những người bạn tốt của tôi Mark Victor Hansen và Robert Allen đã trích đẫn câu chuyện bất hủ củaRussell H.Conwell trong cuốn sách của ông, “Cánh đồng kim cương” ra đời cách đây hơn một thế kỷ:
Tôi cho rằng bạn nên làm giàu, và làm giàu phải là nhiệm vụ của bạn. Bao nhiêu anh em đồng đạo đã nói với tôi: “Ông, với tư cách là một mục sư Thiên Chúa Giáo, có dành thời gian đi khắp mọi miền đất nước để khuyên mọi người nên làm giàu, kiếm tiền không?” Có, tất nhiên là tôi đã làm như vậy.
Họ hỏi: “Tại sao ông không thuyết giảng về những chân lý trong sách Phúc âm, mà lại nói về việc kiếm tiền của con người? Vì hướng con người đến việc kiếm tiền một cách chân chính chính là mục đích của sách Phúc âm và những người giàu có hoàn toàn có thể là những người thật thà nhất mà bạn gặp trong xã hội.
Vậy mà một người trẻ tuổi vừa ngồi đây tối nay lại nói: “Ồ, lúc nào tôi cũng nghe người ta nói rằng nếu một người có nhiều tiền thì chắc chắn anh ta sẽ không thật thà, là kẻ hèn hạ, ích kỷ và bần tiện.” Bạn ạ, đó chính là lý do khiến bạn không có gì cả, bởi vì bạn luôn giữ trong đầu ý tưởng tiêu cực về con người. Số mệnh của bạn đã được xây trên một nền tảng sai lầm rồi. Để tôi giải thích rõ, chín mươi tám trong một trăm người giàu ở Mỹ là những người trung thực. Đó là lý do vì sao họ giàu có. Đó là lý do vì sao ho được tin cậy trong vấn đề tiền bạc. Đó là lý do họ dẫn dắt những doanh nghiệp lớn và tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người khác cùng làm với họ.
Một người trẻ tuổi khác nói: “Thỉnh thoảng tôi vẫn nghe được có những người kiếm được hàng triệu đôla bất chính”. Vâng, tất nhiên, bạn nghe được, tôi cũng thế. Nhưng trên thực tế việc đó hiếm hoi đến mức báo chí cứ bàn luận mãi về chúng như một vấn đề thời sự nóng hổi khiến bạn có cảm giác rằng tất cả những người giàu có đều là giàu bất chính.
Này bạn, hãy lái xe đưa tôi đến những vùng ngoại ô Philadelphia và giới thiệu tôi với những người chủ của các ngôi nhà xung quanh thành phố tuyệt vời này – những ngôi nhà tuyệt đẹp trong vườn lúc nào cũng nở đầy hoa. Còn tôi sẽ giới thiệu bạn với những người có nhân cách tốt đẹp nhất, những người kinh doanh thành công nhất của chúng tôi, những người chủ nhà danh giá, thật thà, thanh khiết, trung thực và biết chi tiêu tiết kiệm.
Chúng ta vẫn nhắc nhở mọi người chống lại thói tham lam và sử dụng quá nhiều lần các cụm từ mang nghĩa xấu như “lợi lộc bẩn thỉu” đến nỗi người ta có cảm tưởng rằng những ai có nhiều tiền đều xấu xa cả.
Tiền bạc là quyền lực, và bạn nên có nguyện vọng hợp lý để có nó! Bạn nên thế, bởi vì có nó bạn có thể làm nhiều điều tốt hơn là nếu bạn không có nó.
Tiền bạc in ra Kinh thánh, tiền bạc xây nên nhà thờ cho bạn, tiền bạc gửi thiên thần đến cho bạn, và tiền tạc thanh toán cho những thứ bạn cầu xin.
Vì vậy tôi nói rằng, bạn nên giàu có. Nếu bạn có thể làm giàu lương thiện, đó chính là thiên chức của bạn . 

Đoạn văn của Conwell nêu lên nhiều ý kiến tuyệt vời đáng chú ý.
Điểm thứ nhất đề cập đến khả năng được người khác tin tưởng. Trong số tất cả các phẩm chất cần thiết để làm giàu thì việc được người khác tin tưởng phải đứng ở đầu danh sách. Thử nghĩ xem, liệu bạn có đồng ý hợp tác kinh doanh với một người mà bạn không hề tin tưởng, dù chỉ xét về một phương diện nào đó? Không bao giờ!
Như vậy, để có thể làm giàu thì rõ ràng bạn phải được nhiều người, thật nhiều người tin tưởng, và hiển nhiên là khi được nhiều người tin tưởng bạn như vậy thì bản thân bạn cũng phải vốn dĩ là người đáng tin cậy.
Còn những đặc điểm nào khác nữa mà một người cần phải có để làm giàu, và quan trọng hơn là để giữ mãi giàu có. Không nghi ngờ gì, qui luật nào thì bao giờ cũng có ngoại lệ, nhưng trong phần lớn trường hợp, bạn phải là ai mới có thể thành công? Bên cạnh một số cá tính riêng thì bạn phải là người hội tụ những đặc điểm này: tích cực, trọng chữ tín, chuyên tâm, quyết đoán, kiên trì, chăm chỉ, mạnh mẽ, có thiện chí, giao tiếp tốt, thông minh và tinh thông ít nhất một lĩnh vực nào đó.
Yếu tố thú vị tiếp theo trong đoạn văn của Conwell là nhiều người trong chúng ta đã bị tiêm nhiễm ý nghĩ rằng bạn không thể vừa giàu có vừa là một người trung thực, hoặc vừa giàu có vừa thánh thiện. Tôi cũng đã từng suy nghĩ như vậy. Như phần lớn chúng ta, tôi được nghe bạn bè, thầy cô, đài báo tivi và phần còn lại trong xã hội nói rằng người giàu là xấu bằng cách này hay cách khác, rằng họ đều rất tham lam. Đó chính là một cách nghĩ khác sẽ dẫn bạn đến kết thúc bằng việc trở thành người hoàn toàn thất bại. Theo kinh nghiệm thực tế của chính tôi trong đời thực hơn là theo những ngộ nhận cũ dựa trên nỗi sợ, tôi thấy rằng những người giàu có nhất tôi biết cũng là những người tốt nhất.
Khi chuyển đến San Diego tôi đến ở một ngôi nhà trong khu giàu có nhất của thành phố. Tôi rất thích vẻ đẹp của những ngôi nhà ở khu vực đó, nhưng tôi có vài bối rối vì không quen ai cả và tôi cảm thấy tôi chưa hợp với khu này lắm. Kế hoạch của tôi là sống kín đáo và không giao du nhiều với những người giàu hợm hĩnh đó. Tuy nhiên, lũ trẻ nhà tôi, lên năm và bảy tuối khi đó, lại kết bạn với những đứa trẻ hàng xóm khác, và tôi phải đưa chúng về từ những tòa nhà đó hay chở chúng đến chơi. Tôi nhớ lần gõ một cánh cửa gỗ trạm khắc lộng lẫy cao ít nhất sáu mét. Người mẹ mở cửa và, với một giọng thân thiện nhất mà tôi từng nghe, nói “Harv, thật vui được gặp anh, xin mời vào.” Tôi hơi lúng túng khi cô ấy rót mời tôi tách trà và đĩa trái cây. “Họ muốn cái gì đây?” Đầu óc đa nghi của tôi tò mò muốn biết. Rồi chồng cô ấy đến và chơi với bọn trẻ trên sân. Anh ta còn thân thiện hơn: ”Harv, chúng tôi thật vui mừng khi có anh là hàng xóm. Anh phải đến bữa tiệc thịt nướng ngoài trời với chúng tôi tối nay cùng cả nhà nhé.Chúng tôi sẽ giới thiệu anh với tất cả mọi người, và chúng tôi không chấp nhận câu từ chối đâu. Nhân tiện, anh có chơi golf không? Mai tôi sẽ chơi ở câu lạc bộ, sao anh không đến như là khách của tôi?” Lúc đó thì tôi bị sốc. Chuyện gì đã xảy ra với những kẻ nhà giàu hợm hĩnh mà chắc chắn tôi sẽ gặp? Tôi rời khỏi đó, về nhà và nói với vợ tôi rằng chúng tôi được mời dự tiệc ngoài trời.
“Ối trời,” cô ấy kêu lên, “thế em sẽ mặc gì đây?” “Không, em không hiểu rồi” tôi nói, “những người đó đặc biệt dễ chịu và hoàn toàn không hình thức. Chỉ cần là em thôi.”
Chúng tôi đã đến và tối đó đã quen với một số trong những người thân thiện nhất, dễ thương nhất, nghiêm túc nhất, đáng yêu nhất trong cuộc sống của chúng tôi. Cuộc nói chuyện trong một thời điểm nào đó đã chuyển sang đề tài hoạt động từ thiện do một vị khách dẫn dắt. Người này rồi người khác, những tờ séc được lấy ra. Tôi không thể tin được, tôi chứng kiến mọi người xếp hàng để đưa tiền cho người phụ nữ đó. Nhưng mỗi tờ séc đều có điều kiện. Thỏa thuận đó là, trách nhiệm phải từ hai phía, và người phụ nữ đó phải đứng ra làm từ thiện theo mục đích mà những người quyên góp chọn đóng góp cho. Bạn chúng tôi, người đã mời chúng tôi, đã tham gia nhiều buổi quyên góp từ thiện như thế. Hàng năm, họ đề ra mục tiêu là người tài trợ chính trong thành phố cho các hoạt động từ thiện cho Quĩ Khám chữa bệnh Trẻ em. Họ không chỉ góp hàng chục nghìn đôla cho quĩ, mà còn tổ chức những buổi tiệc để quyên góp hàng trăm nghìn đôla khác.
Có một bác sĩ giải phẫu mà chúng tôi khá gần gũi với cả gia đình anh ta. Anh là một trong những bác sĩ giải phẫu tĩnh mạch hàng đầu thế giới và đã kiếm được cả gia tài. Mỗi ngày anh làm bốn đến năm ca giải phẫu, mỗi ca từ 5,000 đôla đến 10,000 đôla.
Tôi kể chuyện anh ta bởi vì cứ thứ ba hàng tuần là ngày “nghỉ”, khi anh ta thường làm giải phẫu tĩnh mạch cho mọi người trong thành phố, những ai không thể trả tiền. Trong ngày đó, anh ta thường làm việc từ 6am đến 10 pm thực hiện càng nhiều ca phẫu thuật càng tốt, thường là trên mười ca, miễn phí. Ngoài ra, anh còn lãnh đạo một tổ chức từ thiện do anh lập ra với sứ mệnh mời thêm các bác sĩ khác tham gia những ngày khám bệnh miễn phí cho mọi người trong cộng đồng nữa.
Không cần thiết phải nói bạn cũng đoán ra, niềm tin bị áp đặt của tôi rằng người giàu tham lam và hợm hĩnh đã hoàn toàn tan biến trong ánh sáng ban ngày của cuộc sồng. Bây giờ tôi biết điều ngược lại mới là sự thật. Theo kinh nghiệm của tôi, những người giàu nhất tôi biết là những người dễ thương nhất tôi biết. Họ cũng là những người rộng lượng nhất. Tôi không nói những người không giàu thì không dễ thương hoặc rộng lượng. Nhưng tôi có thể nói một cách an toàn rằng ý tưởng cho là tất cả những người giàu đều xấu theo cách nào đó không là gì hơn một sự ngu dốt.
Trên thực tế, việc oán ghét người giàu là một trong những cách chắc chắn nhất để trở nên bần cùng. Chúng ta là những tạo hóa của thói quen, và để vượt qua hay thay đổi bất kỳ thói quen nào, chúng ta đều cần phải luyện tập. Thay vì bực bội với người giàu, tôi khuyên bạn nên tập ngưỡng mộ người giàu, tôi muốn các bạn tập cách chúc phúc cho người giàu, và tôi còn muốn bạn học cách yêu qui người giàu. Như thế, từ trong tiềm thức bạn biết rằng khi bạn trở nên giàu có những người khác sẽ ngưỡng mộ bạn, chúc phúc cho bạn và yêu thương bạn, thay vì oán giận với bạn đúng theo cách mà bạn có thể đang làm đối với họ hiện nay.
Một trong những triết lý sống mà tôi tuân theo bắt nguồn từ những câu châm ngôn uyên bác và thâm thúy của người Huna xưa, những lời răn dạy khôn ngoan của các vị bô lão vùng đảo Hawaii. Đó là câu ngạn ngữ sau: Hãy chúc phúc cho những thứ mà bạn muốn có. Nếu bạn thấy một người có một căn nhà đẹp, hãy chúc phúc cho người ấy và chúc phúc cho căn nhà ấy. Nếu bạn thấy một người có một chiếc xe đẹp, hãy chúc phúc cho người ấy và chiếc xe ấy. Nếu bạn thấy một người có một gia đình ấm êm thì hãy chúc phúc cho người ấy và gia đình ấy. Nếu bạn thấymột người có cơ thể đẹp, hãy chúc phúc cho người đó và chúc phúc cho cơ thể họ.
Qui tắc Thịnh vượng số 18:
“Hãy chúc phúc cho những thứ mà bạn muốn có.”
Điểm chính ở đây là, nếu bạn oán giận những gì người giàu có, thì dù bằng cách nào, ở dạng nào, hình thức nào bạn cũng không bao giờ có cái đó.
Cho dù: Nếu bạn thấy một người trong chiếc Jaguar đen lộng lẫy với kính cửa mui xe mở rộng, đừng ném vỏ lon bia vào đó!
Lời tuyên bố: Hãy đặt tay lên ngực bạn và nói:
“Tôi ngưỡng mộ người giàu!”.
“Tôi chúc phúc người giàu!”
“Tôi yêu quí người giàu!”
“Và tôi sẽ trở thành một trong số người giàu!”

Hãy đặt tay lên trán bạn và nói:
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
Những hành động của Tư Duy Triệu Phú:
1. Hãy thực tập triết lý của người Huna “Hãy chúc phúc cho những gì bạn muốn có”.
Hãy chạy xe vòng quanh hay mua tạp chí, ngắm những ngôi nhà đẹp, những chiếc xe sang trọng, đọc về những doanh nghiệp thành công.
Hãy chúc phúc cho tất cả những gì bạn thấy và bạn thích, và chúc phúc cho những người chủ đó và những người liên quan.
2. Hãy viết ra và gửi đi một lá thư ngắn hoặc email cho ai đó bạn biết (không nhất thiết trực tiếp), người rất thành công trong bất cứ lĩnh vực nào đó, nói cho họ biết bạn ngưỡng mộ họ thế nào và hãy vinh danh họ vì những thành tựu của họ.

8.5. Suy nghĩ Triệu Phú số 5 - Bí quyết Tư Duy Triệu Phú T.Harv Eker

Người giàu tập trung vào các cơ hội
Người nghèo tập trung vào những khó khăn
Người giàu nhìn thấy các cơ hội. Người nghèo nhìn thấy những khó khăn. Người giàu nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng. Người nghèo nhìn thấy nguy cơ bị mất. Người giàu tập trung vào tiềm năng lợi nhuận. Người nghèo tập trung vào khả năng rủi ro.
Điều đó dẫn đến một câu hỏi từ xa xưa như thế này: “Cái ly đang đầy một nửa hay đang vơi một nửa?”. Ở đây chúng ta không nói đến việc suy nghĩ tích cực, chúng ta chỉ bàn về quan điểm quen thuộc của bạn về thế giới. Người nghèo lựa chọn dựa trên nỗi sợ hãi. Trí óc họ liên tục “tua lại” những cảnh về những trở ngại hay những khó khăn, rủi ro đã hay có thể nảy sinh. Hướng suy nghĩ chủ yếu trong đầu họ là: “Điều gì sẽ xảy ra nếu phương án này không đem lại kết quả?” hay thường xuyên hơn, “Không làm được đâu!”
Những người ở tầng lớp trung lưu lạc quan hơn đôi chút. Kiểu suy nghĩ của họ là “Tôi rất hy vọng việc này sẽ mang lại kết quả tốt đẹp”.
Người giàu, như ta đã nói trên, nhận trách nhiệm về kết quả trong cuộc đời họ và hành động với suy nghĩ: “Việc này nhất định sẽ mang lại kết quả vì mình sẽ làm cho điều đó trở thành hiện thực.”
Ngưòi giàu luôn sẵn sàng để hành động tiếp. Họ có sự tự tin cao độ vào khả năng và sức sáng tạo của họ. Và họ cũng tin rằng nếu có chuyện gì đó xảy ra thì họ sẽ luôn tìm được cách khác để đi tiếp.
Nói chung, phần thưởng càng cao thì rủi ro càng lớn. Vì lúc nào cũng nhìn thấy cơ hội nên người giàu thường sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Người giàu tin rằng dù điều xấu nhất có xảy ra họ vẫn luôn có thể lại làm ra số tiền của mình.
Trái lại, người nghèo luôn dự báo thất bại. Họ đều thiếu tự tin về bản thân cũng như năng lực của họ. Người nghèo tin rằng, nếu sự việc không tiến triển tốt, thì đó sẽ là tai hoạ. Và bởi vì họ luôn nhìn thấy trở ngại, họ thường không sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Không mạo hiểm, không có tưởng thưởng.
Nên ghi nhớ, sẵn sàng mạo hiểm không nhất thiết có nghĩa là sẵn sàng để mất. Người giàu chấp nhận những mạo hiểm đã được tính toán. Tức là họ nghiên cứu, phân tích và cân nhắc mọi chi tiết liên quan rồi sau đó mới quyết định căn cứ vào những thông tin có kiểm chứng và những sự việc cụ thể. Người giàu có tính toán mãi không? Không. Họ làm tất cả những việc họ có thể trong khoảng thời gian ngắn nhất cho phép, rồi họ ra quyết định tỉnh táo về việc có làm tiếp hay không.
Mặc dù người nghèo khẳng định họ luôn chuẩn bị để nắm bắt cơ hội, những gì họ thường làm là trì hoãn. Họ sợ đến chết, họ do dự trong nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm, và thế là cơ hội tuột mất. Rồi họ lý giải tình huống bằng cách cho rằng: “Tôi vẫn đang chuẩn bị sẵn sàng”. Đúng là như thế rồi, nhưng trong khi họ “vẫn đang chuẩn bị sẵn sàng”, người giàu đã nhanh chóng nhảy vào, nhảy ra, và kiếm thêm một khoản hời lớn.
Điều tôi sẽ nói bây giờ nghe có vẻ lạ lùng, nhất là khi tôi luôn rất đề cao tính trách nhiệm. Tuy nhiên, tôi tin rằng vẫn có yếu tố nhất định của cái mọi người gọi là may mắn liên quan đến việc làm giàu, hoặc, với việc trở nên thành công trong bầt cứ lĩnh vực nào.
Trong bóng đá, đó có thể là một giây lóng ngóng của đối phương trên khu vực cấm ở phần sân bạn khi chỉ còn chưa đầy một phút, cho phép đội của bạn giành chiến thắng. Trên sân golf, đó có thể là một cú đánh vòng quả golf bị va vào cây ngoại vi bật vào khu xanh, chỉ cách mấy bước đến lỗ.
Còn trong kinh doanh, bạn đã từng nghe về một kẻ bỏ tiền trả ngay đầu tư vào một mảnh đất ở tận nơi khỉ ho cò gáy ngoại ô, và mười năm sau có một tập đoàn lớn quyết định xây trung tâm mua sắm hay cao ốc văn phòng trên mảnh đất đó? Nhà đầu tư này trong phút chốc trở nên giàu có. Thế thì đó là một bước đi khôn ngoan hay chỉ là dịp may bất chợt của ông ta? Tôi đoán là cả hai yếu tố trên đều có phần tham gia.
Điều đáng chú ý là sẽ không có may mắn nào xuất hiện trên con đường của bạn trừ khi bạn có một hành động nào đó. Để đạt được thành công về tài chính, bạn phải làm một điều gì đó, chẳng hạn như mua một thứ gì đó hay thành lập một công ty nào đó. Và khi bạn thực hiện, có phải chính sự may mắn hay một sức mạnh siêu nhiên đã âm thầm giúp đỡ để bạn đủ can đảm và nỗ lực vì mục tiêu của mình? Theo tôi biết, không ai quan tâm xem yếu tố đó chính xác là gì. Chỉ biết việc gặp may như thế vẫn xảy ra!
Một nguyên tắc quan trọng khác là người giàu chú trọng vào những gì họ muốn, trong khi những người nghèo lại tập trung vào những gì họ không muốn. Chúng ta đều biết Luật Tập trung của Vũ trụ cho rằng: “Những gì bạn chú tâm vào sẽ phát triển”. Vì người giàu bao giờ cũng chú tâm vào cơ hội trong tất cả mọi thứ, nên cơ hội mọc ra quanh họ. Vấn đề lớn nhất của họ là làm sao xử lí tất cả các khả năng kiếm tiền mà họ nhìn thấy. Ngược lại, vì người nghèo chú tâm vào những khó khăn trong mọi thứ, họ nhìn đâu cũng thấy trở ngại. Do đó, vấn đề lớn nhất của họ là xử lí tất cả những trở ngại mà họ nhìn thấy.
Chỉ đơn giản vậy thôi. Lĩnh vực mà bạn quan tâm sẽ quyết định cái mà bạn tìm thấy trong cuộc sống. Chú trọng vào các cơ hội và đó sẽ là thứ mà bạn tìm thấy. Chú trọng vào các chướng ngại thì đó sẽ là cái bạn bắt gặp. Tôi không nói rằng bạn đừng quan tâm đến những vấn đề. Tất nhiên, bạn phải xử lí các rắc rối ngay từ khi chúng vừa phát sinh, trong hiện tại. Nhưng hãy để mắt theo đuổi mục đích của mình, tiếp tục bám sát mục tiêu. Hãy dành thời gian và sức lực để tạo ra những gì bạn muốn. Khi những trở ngại xuất hiện, hãy xử lý chúng, rồi nhanh chóng quay lại tập trung vào tầm nhìn của bạn.
Bạn không thể tận hưởng cuộc sống của mình bằng cách dành nó để giải quyết các vấn đề. Đừng dành hết thì giờ của bạn chỉ để “chữa cháy”. Những người cứ làm vậy, sẽ đi giật lùi. Bạn phải sử dụng thời gian và sức lực của mình trong sự cần thiết và cân nhắc, để tiến chắc chắn đến mục đích của bạn.
Bạn muốn có một lời khuyên đơn giản cực kỳ độc đáo? Đó là: Nếu bạn muốn trở nên giàu có, tập trung vào kiếm, giữ và đầu tư tiền của bạn. Nếu bạn muốn nghèo khó, tập trung vào tiêu tiền của bạn. Bạn có thể đọc hàng nghìn cuốn sách, tham gia hàng trăm lớp học để thành công, nhưng tất cả đều dẫn đến điều đó. Hãy nhớ định luật Tập trung của Vũ trụ, cái gì bạn tập trung vào sẽ phát triển.
Người giàu cũng hiểu rằng bạn sẽ không bao giờ biết trước mọi thông tin. Trong chương trình Enlightened Warrior (Chiến binh được khai sang) chúng tôi đào tạo mọi người làm chủ sức mạnh nội tâm của họ và hành động trong mọi tình huống. Trong khóa học đó chúng tôi dạy nguyên tắc được biết đến với tên “Ready, Fire, Aim!” Tức là: “Chuẩn bị-sẵn sàng, Bắn, Hiệu chỉnh!”. Chúng tôi muốn nói gì? Hãy chuẩn bị tốt nhất bạn có thể trong thời gian ngắn nhất cho phép, hành động, rồi sau đó điều chỉnh dần khi thực hiện.
Bạn tin rằng bạn có thể đoán biết hay cảm nhận tương lai để rồi chuẩn bị cho mọi tình huống và bảo vệ bạn khỏi ảnh hưởng tiêu cực của sự việc ấy? Suy nghĩ đó chỉ là ảo tưởng mà thôi. Bạn có biết rằng không có đường thẳng trong vũ trụ? Cuộc sống của chúng ta cũng không bao giờ có đường thẳng nào cả. Nó chuyển động như một con sông uốn khúc. Thường là bạn chỉ có thể nhìn ra chỗ uốn tiếp theo khi đi đến hết khúc uốn hiện nay, và khi đó bạn mới có thể trông thấy những gì xa hơn đang ở phía trước.
Vấn đề là bạn hãy mạnh dạn bước vào cuộc chơi với bất kì thứ gì bạn đang có, và từ bất kì điểm xuất phát nào bạn đang đứng. Chúng ta tạm gọi sự tham gia này là “vào hành lang”. Ví dụ, nhiều năm trước tôi lên kế hoạch mở quán caffee tại Fort Landerdale, Florida. Tôi nghiên cứu vị trí, thị trường và tìm thấy những thiết bị mình cần. Tôi cũng nghiên cứu các loại bánh, nước, kem, caffee hiện có. Vấn đề đầu tiên là tôi bị mập quá khi thử những món để nghiên cứu, mà cũng không giúp ích gì. Nên tôi tự hỏi, “Harv, cách tốt nhất để nghiên cứu công việc này là gì? Và tôi nghe thấy gã tên là Harv, kẻ thường thông minh hơn tôi, trả lời, “Nếu bạn thực sự muốn học một công việc kinh doanh, hãy bước vào đó. Bạn không cần phải sở hữu nó ngay từ đầu. Hãy bước vào hành lang của nó bằng cách có một việc làm trong lĩnh vực đó. Bạn sẽ học được nhiều qua việc lau nhà và rửa chén đĩa hơn là nghiên cứu mười năm từ bên ngoài”. (Tôi nói hắn thông minh hơn tôi mà).
Thế là tôi làm vậy. Tôi xin việc tại tiệm Mother Butlers Pies. Tôi ước tôi có thể nói cho bạn rằng họ lập tức nhận ra tài năng siêu việt của tôi và cho tôi bắt đầu làm từ vị trí CEO. Nhưng họ đã không nhìn thấy, hoặc họ không quan tâm kỹ năng điều hành cấp cao của tôi, nên tôi đã bắt đầu từ chân sai vặt. Đúng thế, lau sàn nhà và rửa chén đĩa. Thật buồn cười, không biết qui luật Sức mạnh của Mục tiêu có hoạt động không?
Bạn có thể nghĩ tôi sẽ thật vất vả và phải nuốt niềm tự trọng của mình để làm việc, nhưng sự thực là tôi đã không bao giờ nhìn sự việc theo cách đó. Tôi ở đó với một sứ mệnh để học một việc kinh doanh; Tôi rất biết ơn cơ hội để học bằng “vé” của người khác đó, và kiếm thêm mấy xu tiền túi để khởi đầu.
Trong thời gian học việc của tôi như người phụ việc, tôi dành thời gian nói chuyện với quản lý về lời lỗ, xem hộp thư để biết tên các nhà cung cấp, giúp người nướng bánh từ 4 giờ sáng để học và làm quen với thiết bị, gia vị và các vấn đề hay xảy ra.
Cả một tuần trôi qua và tôi đoán tôi đã làm khá tốt, bởi vì người quản lý đã mời tôi ngồi cho tôi ăn bánh ngọt và thăng chức cho tôi làm thu ngân! Tôi đã suy nghĩ ghê gớm và lâu, chính xác là một phần tỷ giây, rồi trả lời: “Cảm ơn, nhưng không, cảm ơn”.
Đầu tiên, tôi không thể học được nhiều hơn khi bị kẹt trong quầy thu ngân. Thứ hai, tôi đã học được cái tôi đến để học. Sứ mệnh đã hoàn thành!
Đó là những gì tôi muốn nói với cụm từ “vào hành lang”. Nó có nghĩa là hãy bắt đầu bằng cách thâm nhập vào lĩnh vực mà bạn muốn thành danh trong tương lai, tận dụng bất kì khả năng nào có thể, để bắt đầu. Đây là cách tốt nhất để tìm hiểu về một ngành nghề kinh doanh mới vì bạn có thể quan sát nó từ bên trong. Bên cạnh đó, bạn còn có cơ hội thiết lập các mối quan hệ cần thiết – những “mối nối” mà bạn không thể tạo ra từ bên ngoài. Ngoài ra, một khi bạn đã ở trong hành lang thì nhiều cánh cửa cơ hội khác có thể mở ra trước mắt bạn. Tức là nhờ được tận mắt chứng kiến mọi việc, bạn sẽ có thể khám phá một lĩnh vực nào đó phù hợp với bản thân mà trước đó bạn chưa hề nhận ra. Biết đâu bạn lại phát hiện ra mình không hề hào hứng với lĩnh vực mà trước đó bạn vẫn tưởng là bạn có, và ơn trời, bạn sẽ biết điều đó trước khi dấn thân vào quá sâu!
Vậy cái gì trong những điều trên đã xảy ra với tôi? Trong thời gian tôi ở Mother Butlers Pies tôi không thể chịu được mùi hay nhìn thấy bóng cái bánh ngọt. Thứ hai, người nướng bánh nghỉ việc một ngày sau tôi, gọi cho tôi báo rằng anh ta mới tìm thấy một loại thiết bị tập thể thao mới dạng đôi giầy và muốn biết xem tôi có quan tâm không. Tôi đã kiểm tra và thấy thiết bị “đôi giầy”đó rất tốt, nên tôi đã tham gia kinh doanh.
Tôi bắt đầu bán những cái giầy đó cho các của hàng thể thao. Tôi để ý rằng các cửa hàng bán lẻ đó đều có chung một điều – thiết bị luyện tập rất tiêu điều. Đầu óc tôi rung chuông inh ỏi: “cơ hội, cơ hội, cơ hội!”
Thật buồn cười khi chuyện cứ xảy ra như thế. Đó là, kinh nghiệm bán thiết bị luyện tập đầu tiên của tôi đã dẫn tôi đến việc mở một trong những trung tâm rèn luyện thể hình đầu tiên ở Bắc America và kiếm cho tôi triệu đôla đầu tiên. Thử nghĩ xem, tất cả những cái đó bắt đầu bằng việc tôi đi làm chân sai vặt tại cửa hiệu bánh ngọt Mother Butlers Pies! Bài học thật đơn giản: hãy xông vào hành lang. Bạn không bao giờ biết cách cửa nào sẽ mở ra cho bạn.
Tôi có một châm ngôn: “Hành động bao giờ cũng đánh bại bất động.” Người giàu luôn bắt tay vào cuộc. Họ tin tưởng rằng một khi đã bước vào cuộc chơi, họ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt ngay thời điểm hiện tại, sửa chữa và điều chỉnh cánh buồm để con thuyền của mình đi đúng hướng.
Trong khi đó, người nghèo không tin tưởng vào chính bản thân hay khả năng của họ. Họ nghĩ rằng muốn thành công thì phải biết trước mọi thứ. Mà điều này thì hầu như không thể. Trong khi đó họ không muốn xông vào hành lang!
Cuối cùng, với quan điểm tích cực “Nhắm trúng mục tiêu-Sẵn sàng, Bắn, Điều chỉnh lại!” người giàu luôn mạnh dạn hành động và vì vậy thường chiến thắng.
Còn người nghèo rốt cuộc, với kiểu lập luận: “Tôi sẽ không làm bất kì điều gì trước khi tôi nhận định được mọi vấn đề có khả năng xảy ra và biết đích xác phải làm gì với vấn đề đó”, nên không bao giờ hành động và vì thế lúc nào họ cũng thất bại.
Người giàu nhìn thấy cơ hội, nắm bắt cơ hội đó, và càng trở nên giàu có hơn. Còn người nghèo thì sao? Họ vẫn “đang chuẩn bị để sẵn sàng!”.
Lời tuyên bố: Hãy đặt tay lên ngực bạn và nói:
“Tôi tập trung vào cơ hội thay vì trở ngại!”.
“Tôi sẵn sàng, tôi bắn, tôi điều chỉnh!”

Hãy đặt tay lên trán bạn và nói:
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
Những hành động của Tư Duy Triệu Phú:
1. Hãy nhẩy vào cuộc chơi. Hãy cân nhắc tình huống hay dự án bạn đang muốn bắt đầu. Hãy quên bất cứ cái gì bạn đang chờ đợi đi. Hãy bắt đầu ngay bây giờ từ bất kỳ vị trí nào bạn đang ở, với bất cứ cái gì bạn đang có.
Nếu có thể, làm điều đó khi làm việc cho hoặc với ai đó trước, để học cái cốt lõi. Nếu bạn đã học được, không biện minh nữa, haỹ xông lên!
2. Hãy thực hành thái độ lạc quan. Hôm nay, dù mọi người có nói gì về các vấn đề hay trở ngại, biến nó thành cơ hội.
Bạn sẽ điều khiển sự lẩn thẩn dở hơi của những người tiêu cực, nhưng này, đâu là sự khác biệt? Đó là lý do tại sao họ liên tục làm cho bản thân lùi xa thành công!
3. Tập trung vào cái bạn có, không phải cái bạn không có. Lập danh sách mười điều bạn biết ơn trong cuộc đời và đọc nó to lên. Rồi đọc nó mỗi sáng trong vòng ba mươi ngày tiếp theo.
Nếu bạn không đề cao những gì bạn đang có, bạn sẽ không có chúng nữa và bạn không cần chúng nữa.

8.4. Suy nghĩ Triệu Phú số 4 - T.Harv Eker Bí quyết Tư Duy Triệu Phú

Người giàu suy nghĩ lớn
Người nghèo suy nghĩ nhỏ
Một giảng viên ở trung tâm của chúng tôi đã lập được kì tích khi có thể nhân số tài sản từ 250.000 đôla lên 600 triệu đôla chỉ trong vòng chưa đầy ba năm. Khi được hỏi về bí quyết thành công, ông chỉ nói: ”Mọi thứ đã thay đổi kể từ khi tôi bắt đầu suy nghĩ lớn”.
Tôi giới thiệu cho bạn Định luật về Nhu nhập, cho rằng, “Thu nhập của bạn tỷ lệ thuận với giá trị mà bạn bỏ ra, tùy theo tình trạng thị trường.”
Qui tắc Thịnh vượng số 17:
Định luật về Thu nhập: “Thu nhập của bạn tỷ lệ thuận với giá trị mà bạn bỏ ra, tùy theo tình trạng thị trường.”
Từ mấu chốt ở đây là giá trị. Điều quan trọng là phải nhận biết bốn nhân tố quyết định giá trị của bạn trên thị trường là: cung, cầu, chất lượng và số lượng. Theo kinh nghiệm của tôi, yếu tố chứa đựng thử thách lớn nhất đối với hầu hết mọi người là số lượng. Yếu tố số lượng này thường được hiểu một cách đơn giản là, bạn đã thực sự đem lại cho thị trường bao nhiêu giá trị của bạn?
Một cách nói khác của điều đó là, bạn đã phục vụ được hay có ảnh hưởng đến bao nhiêu người?
Ví dụ, tại trung tâm của tôi, một số giảng viên thích hướng dẫn cho các nhóm nhỏ khoảng hai mươi người một lần, nhưng một số người khác lại thấy thoải mái với khán phòng có hơn một trăm người, một số khác thích lượng khán giả khoảng năm trăm người, và vẫn có một số người khác thích khán thính phòng với từ một nghìn đến năm nghìn người hoặc hơn nữa. Liệu có sự khác biệt nào đó trong thu nhập của những giáo viên này không? Bạn hãy tin là có đấy!
Hãy xem xét hoạt đông tiếp thị theo mạng. Liệu có sự khác biệt về thu nhập giữa một người có 10 người trong mạng lưới dưới họ và một người có 10.000 người dưới họ không? Tôi luôn tin là có!
Ở đầu cuốn sách tôi có nói là tôi sở hữu một chuỗi các trung tâm rèn luyện chăm sóc sức khỏe. Ngay từ thời điểm tôi cân nhắc để bước vào việc kinh doanh đó, tôi đã có ý định sở hữu một trăm trung tâm thành công và phục vụ khoảng mười nghìn người. Đối thủ cạnh tranh của tôi lại khác, họ bắt đầu sáu tháng sau tôi và có ý định sở hữu một trung tâm thành công mà thôi. Cuối cùng, cô ấy kiếm được đủ sống. Tôi thì giàu lên!
Bạn mong muốn có cuộc sống như thế nào? Bạn muốn tham gia cuộc chơi như thế nào? Bạn muốn chơi trong những giải đấu lớn hay nhỏ, trong đội hình chính hay phụ? Đó là lựa chọn của bạn.
Đa số mọi người đều lựa chọn lối chơi nhỏ. Tại sao? Trước tiên, vì nỗi sợ. Họ sợ tưởng muốn chết vì thất bại và thậm chí họ còn sợ thành công hơn. Thứ hai, mọi người thường chơi nhỏ vì cảm thấy mình nhỏ bé. Họ cảm thấy mình không xứng đáng. Họ không cảm thấy họ đủ giỏi, đủ quan trọng để tạo ra sự thay đổi thực sự trong cuộc sống của mọi người.
Nhưng hãy chú ý: cuộc sống của bạn không chỉ vì cá nhân bạn. Nó còn là sự đóng góp của bạn cho người khác. Nó còn vì sứ mạng và ý nghĩa cuộc sống của bạn trên mặt đất này vào thời khắc này nữa. Tất cả cũng là vì sự đóng góp phần của bạn vào thế giới này nữa. Phần lớn chúng ta bị sa lầy vào “cái tôi” của mình, đòi hỏi mọi thứ phải xoay quanh cái tôi, tôi và chỉ tôi thôi đó. Nhưng nếu bạn muốn trở nên giàu có theo nghĩa tích cực của từ này, thì cuộc sống của bạn không thể chỉ vì bạn. Nó phải vì cả việc bổ sung giá trị của bạn vào cuộc sống của những người khác.
Một trong những nhà phát minh, nhà triết học vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, Buckminster Fuller, đã nói: “Mục đích cuộc sống của chúng ta là bổ sung giá trị cho con người ở thế hệ này và những thế hệ mai sau”.
Mỗi người chúng ta đều đến với trái đất này với những tài năng bẩm sinh khác nhau. Tạo hoá đã trao cho bạn những món quà này với lý do: để bạn sử dụng và sẻ chia với người khác. Các công trình nghiên cứu đã khẳng định rằng những người hạnh phúc nhất là những người có thể phát huy khả năng bẩm sinh của mình một cách tối đa. Một phần sứ mệnh cuộc sống của bạn là chia sẻ khả năng và các giá trị của bạn với càng nhiều người càng tốt. Như vậy, có nghĩa là bạn phải sẵn sàng chơi lớn.
Bạn có biết định nghĩa từ “doanh nhân”? Định nghĩa mà chúng tôi dùng trong các chương trình của mình là: “người giải quyết các vấn đề cho người khác để kiếm lợi nhuận”. Thật vậy, doanh nhân không phải là ai khác hơn “một người giải quyết vấn đề”.
Vậy tôi xin hỏi bạn, bạn muốn giải quyết vấn đề cho nhiều người hay ít người? Nếu câu trả lời của bạn là nhiều người, bạn cần bắt đầu tập trung suy nghĩ lớn hơn và quyết định giúp đỡ thật nhiều người – hàng nghìn, hàng triệu. Vì bạn muốn giúp càng thật nhiều người, thì bạn càng trở nên giàu có hơn, cả về trí tuệ, tình cảm, tinh thần, và hiển nhiên là cả về tài chính.
Nếu không nhầm thì mỗi người trên hành tinh này đều mang trên mình một sứ mệnh nào đó. Nếu hiện giờ bạn đang sống, là bởi vì có một lý do cho việc đó. Richard Bach, trong cuốn Jonathan Livingston Seagull, khi được hỏi: “Làm sao tôi biết khi nào tôi hoàn tất sứ mệnh của mình?” Câu trả lời? “Nếu bạn còn thở được thì bạn vẫn chưa làm xong sứ mệnh đó”.
Tôi đã chứng kiến nhiều người chưa thực hiện tốt công việc của họ. Tôi cũng thấy nhiều người cho phép “cái tôi” sợ hãi kia chi phối họ. Kết quả là khá nhiều người trong số chúng ta đã không sống hết với khả năng tiềm ẩn của mình – chúng ta không phải là chính mình và cũng không giúp ích được cho những người khác.
Điều tôi đã chứng kiến là quá nhiều người không làm phận sự của mình, không thực hiện trách nhiệm của mình, hay sứ mệnh của họ. Tôi đã quan sát thấy quá nhiều người chơi quá nhỏ, và quá nhiều người cho phép cái tôi dựa trên nỗi sợ hãi điều khiển mình. Kết quả là, quá nhiều người trong chúng ta không sống và phát huy hết tiềm năng của mình, cả cho bản thân cũng như đóng góp cho người khác.
Tất cả dẫn đến câu hỏi này: Nhưng nếu bạn không là bạn thì bạn là ai?
Mọi người đều có những mục đích sống riêng. Có thể bạn là một nhà đầu tư bất động sản chuyên mua và cho thuê bất đông sản để kiếm tiền bằng tiền thuê nhà hay sự gia tăng giá trị bất động sản. Vậy sứ mệnh của bạn là gì? Bạn giúp đỡ những người khác như thế nào? Đấy sẽ là cơ hội tốt để bạn làm tăng giá trị cho cộng đồng của bạn thông qua việc giúp các gia đình tìm được nhà ở phù hợp với khả năng kinh tế của họ mà lẽ ra họ đã không thể tìm được.
Bây giờ câu hỏi đặt ra là bạn có thể giúp đựợc bao nhiêu người và bao nhiêu gia đình. Bạn có sẵn lòng giúp mười thay vì chỉ giúp một, hai mươi thay vì chỉ mười, giúp một trăm thay vì giúp hai mươi người? Khái niệm chơi lớn mà tôi muốn nói là như vậy.
Trong cuốn sách “Trở lại với tình yêu”, tác giả Marianne Williamson đã mô tả:
“Bạn là con của Đất Trời. Bạn chơi nhỏ không giúp được thế giới. Không phải là sáng suốt trong việc co lại làm người khác không cảm thấy yên ổn bên bạn. Tất cả chúng ta đều có sứ mệnh phải toả sáng như trẻ thơ. Chúng ta sinh ra để tỏa sáng. Nguồn sáng đó không chỉ tồn tại trong một số chúng ta mà trong tất cả mọi người. Và khi chúng ta để cho chính mình được toả sáng thì trong vô thức chúng ta đã kêu gọi người khác làm điều tương tự. Khi chúng ta tự do thoát khỏi nỗi sợ của mình, hiện diện của chúng ta tự khắc làm người khác tự do”.
Thế giới không cần những người suy nghĩ hạn hẹp. Đã dến lúc phải thôi trốn tránh và hãy bước ra ánh sáng. Đã đến lúc ngừng đòi hỏi và bắt đầu dẫn dắt. Đã đến lúc bắt đấu chia sẻ những món quả mà cuộc đời này ban tặng cho bạn thay vì cứ khư khư ôm lấy chúng hay vờ như chúng không hề tồn tại. Đã đến lúc bạn bắt đầu chơi trò chơi cuộc đời theo cách “lớn”.
Suy cho cùng, tư duy hạn hẹp và kiểu hành động nhỏ nhen chỉ dẫn đến sự túng thiếu và không toại nguyện. Suy nghĩ lớn và hành động lớn sẽ mang lại cho bạn cả tiền tài lẫn ý nghĩa cuộc sống. Quyền lựa chọn là của bạn.
Lời tuyên bố: Hãy đặt tay lên ngực bạn và nói:
“Tôi suy nghĩ lớn! Tôi chọn giúp đỡ hàng nghìn hàng nghìn người!”.
Hãy đặt tay lên trán bạn và nói:
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
Những hành động của Tư Duy Triệu Phú:
1. Hãy viết ra những khả năng tự nhiên bạn tin bạn có. Đó là những việc, lĩnh vực bạn thường tự nhiên xuất sắc hay khá giỏi. Rồi viết ra cách làm sao và ở đâu bạn có thể sử dụng những khả năng đó cho bạn và đặc biệt cho công việc và cộng đồng của bạn.
2. Hãy viết ra hay động não trao đổi với một nhóm người về việc làm sao bạn có thể giải quyết vấn đề cho/hay ảnh hưởng đến – mười lần số người hiện nay trong công việc của bạn.
Hãy đưa ra ít nhất ba chiến lược khác nhau.
Hãy suy nghĩ dùng công cụ kiểu đòn bẩy.

8.3. Suy nghĩ Triệu Phú số 3 - Bí quyết Tư Duy Triệu Phú T.Harv Eker

Người giàu quyết tâm làm giàu
Người nghèo muốn trở nên giàu có
Hãy hỏi mọi người xem họ có muốn trở nên giàu có và họ sẽ nhìn bạn như bạn bị điên. “Tất nhiên tôi muốn được giàu có”, họ sẽ nói. Mặc dù thế, sự thật là phần lớn mọi người không thực sự muốn trở nên giàu có. Tại sao? Bởi vì họ có rất nhiều hồ sơ tài chính tiêu cực trong tiềm thức cho rằng có gì đó không ổn trong việc là người giàu có.
Tại các buổi đào tạo Millionaire Mind, một trong những câu hỏi mà tôi hay đặt ra cho người tham dự là: “Đâu là những điểm tiêu cực của sự giàu có hay việc cố gắng làm giàu?”
Và sau đây là những gì một số người đã nói ra. Bạn có nhận ra một chút gì đó quen thuộc từ những lời nói này không?
“Nếu như tôi kiếm ra tiền nhưng rồi làm mất hết thì sao? Tôi sẽ bị xem là một kẻ thất bại mất thôi.”
“Tôi sẽ không bao giờ biết được liệu mọi người thích tôi vì chính con người tôi, hay chỉ vì tiền của tôi.”
“Tôi sẽ lọt vào nhóm những người đóng thuế cao nhất và phải nộp một nửa tiền của mình cho chính phủ.”
“Tôi phải làm việc quá nhiều.”
“Tôi có thể kiệt sức vì cố gắng.”
“Bạn bè và gia đình sẽ nói “Anh nghĩ anh là ai chứ?” và chỉ trích tôi.”
“Mọi người sẽ muốn xin xỏ, dựa dẫm, nhờ vả tôi.”
“Tôi có thể bị cướp.”
“Con cái tôi có thể bị bắt cóc.”
“Sẽ có quá nhiều trách nhiệm. Tôi sẽ phải quản lý tất cả số tiền đó, tôi sẽ phải tìm hiểu cặn kẽ về các vụ đầu tư. Tôi sẽ phải thục sự hiểu việc đầu tư. Tôi sẽ còn phải lo lắng về các chiến lược thuế, bảo vệ tài sản, rồi thuê nhân viên kế toán, luật sư cao cấp… Khiếp quá, thật rắc rối!”
Và thế, thế…
Như tôi đã nêu ở phần trước, mỗi chúng ta đều có một hồ sơ thịnh vượng trong ngăn tủ gọi là tâm trí. Hồ sơ này chứa đựng những niềm tin của riêng chúng ta, bao gồm cả lý do tại sao việc làm người giàu có lại tuyệt vời đến thế. Tuy nhiên, đối với không ít người, hồ sơ này cũng chứa đựng một số thông tin liên quan đến nguyên do tại sao sự giàu có lại có thể không tuyệt vời như thế. Có nghĩa là họ có những thông điệp bị pha trộn bên trong họ về sự giàu có. Một phần thông điệp này vừa hào hứng nói rằng: “Nếu có nhiều tiền hơn, cuộc sống sẽ thú vị hơn.” Nhưng một phần khác lại hét lên: “Ừ, nhưng tôi sẽ phải kéo cày như một con trâu! Sung sướng ở đâu cơ chứ?”. Một phần lên tiếng: “Tôi sẽ có cơ hội đi du lịch khắp thế giới.” Rồi phần khác liền nhắc khéo: “Ừ, rồi ai nấy đều xúm lại xin xỏ, nhờ vả ngay cho mà xem.” Những thông tin hỗn tạp này có vẻ chỉ là vô thưởng vô phạt, song trên thực tế, chúng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho đa số mọi người không bao giờ có thể trở nên giàu có.
Bạn có thể nhìn nhận sự việc như sau. Vũ trụ, hay nói cách khác là “sức mạnh siêu nhiên” như là một cơ quan bưu điện nhận đặt hàng qua thư từ khổng lồ. Nó liên tục đem đến cho bạn những người, những vật, những cơ hội và sự kiện. Bạn đặt hàng bạn muốn nhận bằng cách gửi thông điệp năng lượng vào vũ trụ trên cơ sở những niềm tin chủ đạo của bạn. Và lần nữa, trên cơ sở Luật Hấp dẫn, vũ trụ sẽ làm tất cả để chấp nhận và ủng hộ bạn. Nhưng nếu bạn gửi những thông điệp bị pha trộn trong cuộc sống của bạn, vũ trụ không thể hiểu bạn muốn gì.
Trong một phút vũ trụ nghe thấy rằng bạn muốn trở nên giàu có, và nó bắt đầu gửi cho bạn những cơ hội giàu có. Nhưng rồi nó lại nghe thấy bạn nói “người giàu rất tham lam”, nên vũ trụ lại bắt đầu hỗ trợ bạn trong việc không cần có nhiều tiền. Rồi bạn lại nghĩ “Có thật nhiều tiền làm cho cuộc sống vui vẻ hơn”, nên vũ trụ tội nghiệp bị bạn làm ngạc nhiên và lẫn lộn, lại bắt đầu việc gửi bạn những cơ hội kiếm nhiều tiền hơn. Ngày hôm sau bạn đang trong trạng thái không phấn chấn nên bạn nghĩ “tiền bạc chả quan trọng gì.” Vụ trụ bị rối loạn cuối cùng hét lên “Hãy quyết định cho rõ! Ta sẽ cho ngươi điều ngươi muốn, chỉ cần ngươi nói rõ ngươi muốn gì!”
Lý do hàng đầu khiến mọi người không có những thứ mình muốn là vì họ không biết thực sự mình muốn gì. Người giàu biết rất rõ cái họ muốn là sự giàu có. Họ luôn kiên định với mong muốn của mình. Họ quyết tâm, toàn tâm toàn lực cam kết dành cho việc làm giàu. Chỉ cần công việc ấy hợp pháp, hợp đạo lý và hợp với luân lý xã hội, họ sẽ làm tất cả những gì cần thiết để trở nên giàu có. Người giàu không gửi những thông điệp mâu thuẫn vào vũ trụ. Người nghèo lại thường làm thế.
Nhân tiện, khi bạn đọc đoạn cuối trên, nếu có tiếng nói nhỏ thì thầm trong đầu bạn rằng “người giàu không quan tâm đến việc tuân theo pháp lý, đạo lý, và luân lý”, thì bạn nhất định đang làm việc đúng là đọc sách này. Bạn sẽ sớm nhận ra đó là một cách nghĩ có hại cho bạn làm sao.
Qui tắc Thịnh vượng số 15:
Lý do hàng đầu khiến mọi người không có những thứ mình muốn là vì họ không biết thực sự mình muốn gì.
Người nghèo có vô số lý do hay ho để giải thích rằng việc làm giàu và trở nên thật sự giàu có sẽ là một rắc rối. Do đó, họ không dám chắc trăm phần trăm họ có thật sự muốn giàu lên hay không. Thông điệp của họ gửi vào vũ trụ không nhất quán và rõ ràng. Thông điệp của họ cho người khác cũng không rõ ràng, nhất quán. Và tại sao lại có tất cả những sự mập mờ đó? Bởi vì thông điệp của họ cho chính mình cũng lẫn lộn, mập mờ.
Ở trên ta đã nói về sức mạnh của mục tiêu. Tôi biết những điều tôi nói có thể hơi khó tin, nhưng tôi đảm bảo là bạn sẽ luôn có được những điều mình muốn – những điều bạn muốn trong tiềm thức, chứ không phải là những điều bạn nói bạn muốn. Bạn có thể dứt khoát phủ nhận điều đó: “Thật là điên rồ! Tại sao tôi phải nỗ lực thế?” Và câu hỏi của tôi dành cho bạn cũng chính xác như vậy: “Tôi không biết. Tại sao bạn phải khổ sở thế?”
Nếu bạn muốn tìm ra nguyên nhân, tôi mời bạn tham dự khóa đào tạo Millionaire Mind Intensive, ở đó bạn sẽ xác định kế hoạch tài chính trong tâm thức của bạn. Câu trả lời sẽ đến với bạn trên gương mặt. Nhưng nói một cách thẳng thừng, nếu bạn không đạt được giaù có bạn nói bạn mong muốn thì nhiều khả năng là do, thứ nhất, bạn thực sự trong tiềm thức không muốn giàu có, hoặc thứ hai, bạn không sẵn sàng làm những gì cần thiết để tạo nên sự giàu có.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu điều này sâu hơn một chút. Có tất cả ba cấp độ mong muốn khác nhau. Cấp độ thứ nhất là: “Tôi muốn trở nên giàu có”. Đây là một cách thể hiện khác của câu: “Tôi sẽ chấp nhận nó nếu nó đến với tôi”. Nhưng chỉ mong muốn không thôi thì vô ích. Bạn có thấy rằng mong muốn không nhất thiết dẫn đến “có được?” Hãy lưu ý rằng những mong muốn không thành thường khiến cho chúng ta mong muốn nhiều hơn nữa. Lúc đó mong muốn trở thành thói quen và chỉ dẫn đến chính nó, tạo ra một vòng luẩn quẩn không dẫn đến đâu cả. Sự giàu có sẽ không đến từ việc chỉ có ý muốn. Làm sao bạn biết đó là sự thật? Bằng một phép kiểm tra đơn giản: hàng tỷ người muốn giàu có, nhưng chỉ có một số tương đối ít thật sự trở nên giàu có.
Cấp độ mong muốn thứ hai là: “Tôi chọn sự giàu có”. Mong muốn này thường đi liền với quyết định trở nên giàu có. Sự lựa chọn có năng lượng mạnh mẽ hơn và đi cùng với việc chịu trách nhiệm tạo ra hiện thực. Từ “quyết định” có nguồn gốc từ tiếng la tinh là decidere, có nghĩa là “tiêu diệt bất kỳ lựa chọn nào khác”. Tuy nhiên, chọn lựa là tốt hơn chỉ mong muốn nhưng không phải tốt nhất.
Cấp độ mong muốn thứ ba là: “Tôi cam kết trở nên giàu có”. Định nghĩa của từ cam kết là “cống hiến hết mình và không thay đổi.” Điều đó có nghĩa là hoàn toàn không thay đổi, không quay lại, là cho đi một trăm phần trăm mọi thứ bạn có để trở nên giàu có. Điều đó có nghĩa là sẵn sàng làm những gì cần thiết dù tốn bao nhiêu thời gian cũng mặc. Đây là cách hành xử của các chiến binh. Không có “xin lỗi”, không “nếu”, không “nhưng”, không “có thể” – và thất bại không là một lựa chọn. Cách nghĩ của chiến binh rất đơn giản: “Tôi sẽ giàu hoặc là tôi sẽ chết trong khi đang cố gắng.”.
“Tôi cam kết trở nên giàu có.” Hãy thử nói vậy với bản thân…Cảm giác gì đến với bạn? Đối với một số người, cảm giác như tăng thêm sức mạnh. Với số người khác, cảm giác lại là nản chí.
Hầu hết mọi người đều không thực sự quyết tâm làm giàu. Nếu bạn hỏi họ: “Bạn dám cược bằng cuộc đời mình rằng trong vòng mười năm nữa bạn sẽ giàu có hay không?” thì có lẽ đa số sẽ nói là “Không”. Đó là sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo. Chính xác là vì mọi người không thực sự cam kết trở nên giàu có nên họ không giàu có, và phần lớn sẽ không bao giờ giàu có.
Ai đó có thể nói: “Harv, anh đang nói gì thế? Tôi đã làm việc cật lực, tôi luôn cố gắng hết sức. Tất nhiên là tôi quyết tâm trở nên giàu có.” Và tôi sẽ trả lời: “Rằng anh cố gắng chỉ có ích một chút thôi. Định nghĩa về sự quyết tâm là hy sinh hết mình không giữ lại gì.” Từ mấu chốt ở đây là “không quay lại”. Nó có nghĩa là bạn phải bỏ mọi thứ mà bạn có để thực hiện hoá quyết tâm ấy. Đa số những người không thành công về mặt tài chính mà tôi từng biết thường có những hạn chế về mức độ sẵn sàng thực hiện, cũng như mức độ chấp nhận rủi ro và mức độ sẵn sàng hi sinh. Mặc dù họ nghĩ rằng mình sẵn sàng trả bất cứ giá nào để đựợc trở nên giàu có, nhưng khi đặt vấn đề sâu hơn, tôi thường phát hiện ra rằng họ luôn đưa ra những điều kiện kèm theo khái niệm “sẵn sàng thực hiện” đó thì mới tiến hành!
Tôi ghét phải là người nói với các bạn điều đó, nhưng nỗ lực để trở nên giàu có không phải là một cuộc dạo chơi công viên, và nếu bất cứ ai bảo bạn thế thì hoặc là vì họ không biết gì nhiều hơn tôi hoặc đầu óc họ không được ổn cho lắm. Theo kinh nghiệm của tôi, để trở nên giàu có đòi hỏi sự tập trung, quyết tâm, lòng dũng cảm, kiến thức, sự tinh thông, toàn bộ tâm huyết của bạn, một thái độ không bao giờ bỏ cuộc, và dĩ nhiên là một trí óc giaù có. Bạn cũng phải tin vào trái tim của mình rằng bạn có thể tạo nên thịnh vượng và rằng bạn tuyệt đối xứng đáng với nó. Một lần nữa, điều đó có nghĩa là, nếu bạn không thực sự toàn tâm, toàn lực, toàn chí cam kết tạo ra thịnh vượng, nhiều khả năng là bạn sẽ không bao giờ tạo ra nó.
Qui tắc Thịnh vượng số 16:
Nếu bạn không thực sự toàn tâm, toàn lực, toàn chí cam kết tạo ra thịnh vượng, nhiều khả năng là bạn sẽ không bao giờ tạo ra nó.
Bạn có sẵn sàng làm việc 16 giờ một ngày? Người giàu sẵn sàng làm thế. Bạn có chấp nhận làm bảy ngày một tuần và hy sinh hầu hết những kì nghỉ cuối tuần? Người giàu làm như vậy đấy. Bạn có sẵn sàng hi sinh việc gặp gỡ gia đình, bạn bè, cũng như từ bỏ các sở thích và các kỳ nghỉ tiêu khiển của mình? Người giàu làm vậy đấy. Bạn có chấp nhận rủi ro với toàn bộ thời gian, sức lực và cả vốn liếng khởi đầu của mình mà không có bảo đảm sẽ thu về được gì? Người giàu chấp nhận làm thế đấy.
Ít nhất một lần trong đời, dù hy vọng đó sẽ là chỉ quãng thời gian ngắn nhưng thực tế thường là một khoảng thời gian khá dài, người giàu đã chấp nhận và quyết tâm làm, và họ đã làm tất cả những điều trên. Còn bạn thì sao?
Biết đâu bạn sẽ gặp may và bạn sẽ không phải phấn đấu lâu dài, vất vả và không phải hi sinh gì cả. Bạn có thể cầu mong điều đó, nhưng tôi không tin lắm. Ngược lại, người giàu đủ quyết tâm để chấp nhận thực hiện mọi điều cần thiết. Cả một khoảng thời gian.
Có một điều thú vị cần ghi nhận là một khi bạn đã cam kết, dường như cả thế giới cũng bị bẻ cong và quay ngoặt lại để ủng hộ bạn. Một trong những đoạn văn yêu thích của tôi là bài viết của nhà thám hiểm W. H. Murray trong một trong những cuộc chinh phục đầu tiên của ông lên dãy Himalaya:
“Khi một người đã quyết thì sự chần chừ, do dự và tất cả những cơ hội thoái lui đều trở nên vô hiệu. Và chính từ thời khắc mà người đó toàn tâm, toàn lực, toàn chí cam kết, mọi điều trên thế giới tự nhiên và siêu nhiên dường như cũng thay đổi theo. Cả một dòng thác những sự kiện, vấn đề, con người, cơ hội xuất hiện, xảy ra thuận theo mong ước của người đó thông qua hàng loạt những biến cố, những cuộc gặp gỡ, những sự hỗ trợ vật chất, tinh thần rất ngẫu nhiên, bất ngờ mà không ai có thể mơ tưởng đến và lý giải được”.
Nói cách khác, cả vũ trụ sẽ hỗ trợ bạn, chỉ lối cho bạn, ủng hộ bạn, và thậm chí là tạo ra những điều kì diệu cho bạn. Nhưng trước hết, bạn phải có cam kết!
Lời tuyên bố: Hãy đặt tay lên ngực bạn và nói:
“Tôi cam kết trở nên giaù có”.
Hãy đặt tay lên trán bạn và nói:
“Tôi cóTư Duy Triệu Phú!”
Những hành động của Tư Duy Triệu Phú:
1. Hãy viết một đoạn ngắn nói chính xác, cụ thể tại sao việc tạo nên thịnh vượng lại quan trọng đối với bạn. Hãy thật cụ thể.
2. Hãy gặp bạn bè hay những thành viên gia đình sẵn sàng ủng hộ bạn. Hãy nói với họ rằng bạn gọi lên mọi năng lượng ra cam kết để tạo thành công lớn hơn.
Đặt tay lên ngực bạn, nhìn vào mắt họ và nói: “Tôi,…. (tên bạn), bằng cách này cam kết sẽ trỏ thành triệu phú hoặc hơn thế cho đến …………………….(ngày, tháng , năm).”
Nói họ trả lời bạn rằng: “Tôi tin vào anh/chị.”
Rồi bạn nói: “Cảm ơn.”
PS: Để làm vững chắc hơn sự cam kết của bạn, tôi mời bạn cam kết trực tiếp với tôi tại web http://cashflowclub.com.vn/forums/66.aspx.

PPS: Hãy kiểm tra xem bạn cảm thấy thế nào trườc và sau khi cam kết. Nếu bạn cảm thấy sự tự do, bạn đang đi đúng hướng. Nếu bạn thấy hơi lo ngại, bạn đang đi đúng hướng. Nếu bạn không quan tâm làm điều đó, bạn vẫn đang trong trạng thái “không sẵn sàng thực hiện những gì cần thiết” hay trạng thái “tôi không cần thiết làm những trò như thế.” Dù là trạng thái nào, tôi xin nhắc bạn rằng, cách của bạn đã đưa bạn đến đúng cái tình trạng của bạn hiện nay đấy.

8.2. Suy nghĩ Triệu Phú số 2 - Bí quyết Tư Duy Triệu Phú T.Harv Eker,

Người giàu tham gia cuộc chơi tiền bạc để thắng
Người nghèo tham gia cuộc chơi chỉ để không bị thua
Khi tham gia “cuộc chơi tiền bạc”, người nghèo thiên về phòng vệ thay vì tấn công. Tôi hỏi bạn: nếu bạn tham gia một cuộc đấu thể thao hay bất kỳ trò chơi nào mà chỉ chăm chăm vào phòng thủ, cơ hội chiến thắng của bạn là bao nhiêu? Ai cũng đồng ý, không có cơ hội nào cả.
Nhưng đó lại là cách phần lớn mọi người dùng trong cuộc chơi tiền bạc. Quan tâm hàng đầu của họ là sống sót và an toàn thay vì tạo ra thịnh vượng và sung túc. Thế mục đích của bạn là gì? Đối tượng của bạn là gì? Ý định của bạn là gí?
Mục đích của người giàu thực sự là tích lũy một sự thịnh vượng lớn, thực sự sung túc. Không chỉ là có chút ít tiền, mà phải là thật nhiều tiền. Còn mục đích lớn của những người nghèo là gì? Là “có đủ tiền thanh toán các hóa đơn…và nếu đúng hạn thì càng tuyệt!” Ở đây một lần nữa tôi muốn lưu ý bạn về sức mạnh của mục đích. Khi mục đích của bạn là có đủ tiền thanh toán các hóa đơn thì bạn chính xác sẽ kiếm được đúng số tiền ấy – chỉ đủ thanh toán các hóa đơn và không hơn một xu.
Những người tầng lớp trung lưu ít nhất còn đi xa hơn một bước, song đáng buồn thay, đó chỉ là một bước nhỏ. Mục đích lớn trong cuộc đời họ lại tình cờ trùng hợp với một từ được ưa thích trên cả thể giới rộng lớn. Đó là họ chỉ muốn được cuộc sống “thoải mái”. Trên thực tế, có một sự khác biệt rất lớn giữa sống thoải mái và sống giàu có.
Phải thú nhận rằng không phải bao giờ tôi cũng biết điều đó. Nhưng một trong những nguyên do khiến tôi tin rằng tôi có thể khẳng định chắc chắn như vậy là vì tôi đã từng có nhiều trải nghiệm trong cả ba phía của cái hàng rào vô hình giữa sự thoải mái với giàu có và nghèo túng mà ai cũng biết đó. Tôi đã từng cực kỳ túng quẫn, đến mức tôi đã phải vay một đôla để đổ xăng. Nhưng để tôi giải thích thêm một chút. Thứ nhất, đó không phải là xe của tôi. Thứ hai, một đôla đó là bốn đồng 25 xu gộp lại. Bạn có hình dung một người trưởng thành phải trả tiền xăng bằng bốn đồng 25 xu sẽ bối rối như thế nào không? Cậu nhỏ làm việc tại trạm xăng đó đã nhìn tôi như thể tôi là kẻ trộm các máy bán hàng tự động, rồi chỉ lắc đầu và cười to. Tôi không biết bạn có thể cảm nhận được, nhưng đó đúng là một trong những thời điểm kiệt quệ nhất của tôi và rất tiếc đó chỉ là một trong số chúng.
Sau khi làm chủ được tâm trí và thống nhất được những hành động của mình, rồi tôi cũng đạt đến mức sống thoải mái. Sự thoải mái thật là dễ chịu. Ít nhất bạn cũng có thể đến một cửa hàng kha khá để thay đổi không khí. Nhưng sang lắm thì tôi cũng chỉ dám gọi món gà. Món gà là bình thường nếu đó đúng là món bạn thực sự muốn. Nhưng thường xuyên thì không.
Thật ra, những người có mức thu nhập thoải mái thường chỉ quyết định họ sẽ ăn gì sau khi nhìn vào cột phía bên tay phải của thực đơn, phía đề giá tiền. “Em muốn gọi món gì tối nay?”. “Có lẽ em sẽ ăn món có giá 7,95 đô này. Thử xem đó là món gì. Ồ, ngạc nhiên chưa, đó là món thịt gà”. Và đây là lần thứ chín trong tuần đó!
Khi bạn thoải mái, bạn sẽ không phải đưa mắt nhìn đến cuối thực đơn, vì nếu bạn làm thế, bạn sẽ vi phạm từ cấm kỵ nhất trong từ điển của giới trung lưu: giá thị trường! Và nếu bạn tò mò, bạn cũng sẽ không hỏi thực ra giá bao nhiêu. Thứ nhất, bởi vì bạn biết bạn không thể trả được. Thứ hai, điều đó thật tế nhị khi bạn biết người hầu bàn không tin bạn khi anh ta giới thiệu cho bạn món 49 đôla có thêm đĩa rau và bạn nói, “Anh biết không, vì một số lý do, tôi thực sự rất thèm ăn món gà tối nay!”
Tôi phải nói rằng với cá nhân tôi, một trong những điều tốt nhất khi giàu có là không phải nhìn sang cột giá tiền trong khi xem thực đơn để chọn món nữa. Tôi ăn đúng những gì tôi muốn ăn không cần biết giá nào. Tôi có thể chắc chắn với các bạn rằng tôi đã không làm thế khi tôi khánh kiệt hay thoải mái.
Cái đó dẫn đến điều này: Nếu mục đích của bạn là sống thoải mái, nhiều khả năng là bạn sẽ chẳng bao giờ giàu có được. Nhưng nếu mục đích của bạn là giàu có, nhiều khả năng là bạn sẽ có cuộc sồng vô cùng thoải mái.
Qui tắc Thịnh vượng số 14:
Nếu mục đích của bạn là sống thoải mái, nhiều khả năng là bạn sẽ chẳng bao giờ giàu có được. Nhưng nếu mục đích của bạn là giàu có, nhiều khả năng là bạn sẽ có cuộc sồng vô cùng thoải mái.
Một trong những nguyên tắc mà chúng tôi dạy trong các chương trình của mình là: “Nếu bạn cố bắn rụng những ngôi sao, bạn ít ra cũng sẽ bắn trúng mặt trăng”. Người nghèo thậm chí không dám ngắm bắn lên trần nhà họ, và rồi họ thắc mắc tại sao họ không thành công. Được rồi, họ mới vừa hiểu ra. Bạn sẽ nhận được cái bạn thực sự muốn có. Nếu bạn muốn giàu có thì mục đích của bạn phải là sự giàu có. Không phải là chỉ có đủ tiền thanh toán các hóa đơn, và không phải là chỉ có đủ tiền để được thoải mái. Giàu có nghĩa là giàu có.
Lời tuyên bố: Hãy đặt tay lên ngực bạn và nói:
“Mục đích của tôi là trở thành triệu phú và hơn thế nữa!”.
Hãy đặt tay lên trán bạn và nói:
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
Những hành động của Tư Duy Triệu Phú:
1. Hãy viết ra hai vấn đề tài chính phản ánh mục tiêu của bạn là tạo ra sự sung túc, không phải sự tầm thường hay bần cùng. Viết ra mục tiêu chơi để thắng của bạn là:
a. Thu nhập hàng năm: 1 triệu đôla;
b. Tổng tài sản: 10 triệu đôla;
Hãy đưa ra mục tiêu có thể thực hiện được trong khoảng thời gian cụ thể, nhưng đồng thời phải nhớ rằng bạn cần “ngắm bắn những ngôi sao”.
2. Đến một nhà hàng sang trọng và gọi một món theo “giá thị trường” mà không hỏi giá bao nhiêu. (Nếu tiền có hạn, hãy chung với người khác cũng được).
PS: Không gọi món gà!

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More